Hoàn tất công tác chuẩn bị
Lễ hội Văn Miếu năm 2024 được tổ chức vào ngày 23 - 25/3 (nhằm ngày 14 - 15/2 âm lịch) tại khuôn viên Văn Miếu Hà Tĩnh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Đây là năm thứ 3, UBND thành phố thực hiện khôi phục lại lễ hội văn hóa này nhằm tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; tôn vinh đạo học và tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích.
Từ đầu tháng 2, Phòng Văn hóa – Thông tin đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch, triển khai nhiệm vụ đến từng đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất công tác tổ chức lễ hội năm nay. Cùng đó, xây dựng các nội dung tuyên truyền, quảng bá lễ hội đến toàn thể bà con nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân.
Tại khuôn viên Văn Miếu Hà Tĩnh, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông thường xuyên bố trí nhân lực chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường, chuẩn bị các cơ sở vật chất, khánh tiết phục vụ lễ hội.
Ông Từ Công Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông TP Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Chúng tôi đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng như: lắp đặt bảng, biển chỉ dẫn, quảng bá lễ hội; treo cờ phướn; dựng sân khấu, lắp dựng các gian nhà bạt phục vụ công tác tế lễ, rước… Cùng với đó, rà soát lại kế hoạch tuyên truyền; chuẩn bị chu đáo việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao… để sẵn sàng cho ngày khai hội vào sáng ngày mai (23/3)”.
Trong những ngày qua, không khí lễ hội cũng lan tỏa khắp các trường học ở TP Hà Tĩnh. Năm nay, Phòng GD&ĐT thành phố chủ trì thực hiện 2 nội dung là đêm thơ nhạc “Thành Sen sức sống mới” và tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp. Để đảm bảo tốt nhất các nội dung, Phòng GD&ĐT đã phát động phong trào sáng tác thơ; lựa chọn giáo viên, học sinh có khả năng viết chữ đẹp để tham gia lễ hội. Theo đó, đêm thơ nhạc sẽ có 12 tác phẩm thơ, 7 tiết mục nhạc được ra mắt; cuộc thi viết chữ đẹp cũng thu hút 15 giáo viên và 75 học sinh trên toàn thành phố tham gia.
Cô giáo Đặng Thị Tuyết Mai - chuyên viên Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Trong những ngày qua, chúng tôi tập trung cao cho công tác sơ duyệt, chỉnh sửa, góp ý với mong muốn đưa đến lễ hội những tiết mục có màu sắc, mới mẻ. Tối nay (22/3), chúng tôi sẽ tiến hành tổng duyệt chương trình đêm thơ nhạc để sẵn sàng cho đêm diễn chính thức vào tối mai”.
Bài bản, quy mô, trang trọng
Văn Miếu Hà Tĩnh là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là nơi thờ phụng đức Khổng Tử, bậc hiền triết sáng lập nên đạo Nho và các sĩ tử như: Nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791), Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Đây cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn vinh, khuyến khích tinh thần hiếu học của các thế hệ học sinh Hà Tĩnh.
Để tạo sự tôn nghiêm của di tích, đầu năm 2024, TP Hà Tĩnh đã khắc 12 văn bia đề danh, trong đó 1 văn bia phục dựng Văn Miếu Hà Tĩnh, 1 văn bia đề danh Trạng nguyên, Thái học sinh và 10 văn bia ghi danh 148 vị tiến sỹ quê hương Hà Tĩnh đỗ đại khoa từ năm 1442, khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thánh Tông đến khoa Kỷ Mùi 1919, năm Khải Định thứ 4. Việc hoàn thành công trình trước ngày diễn ra lễ hội sẽ là điểm nhấn mới làm cho lễ hội năm nay thêm phần trang trọng.
Theo đó, khác với các năm, năm nay, phần lễ ngoài nghi thức tế lễ - dâng hương các vị tiên hiền khai nguồn đạo học, các danh nhân văn hóa và lễ cầu may - dâng “Văn phòng tứ bảo” (dâng bút, giấy, mực, nghiên), Ban Tổ chức sẽ tổ chức tế lễ 148 vị đại khoa được khắc tên vào văn bia. Cùng đó, ngoài phường Thạch Linh, 14 phường, xã và các dòng họ trên địa bàn tỉnh cũng có thể đăng ký rước cỗ tế về tham gia lễ hội.
Về phần hội, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - văn nghệ, cho chữ, viết thư pháp, triển lãm sách… sẽ được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày diễn ra lễ hội, kỳ vọng sẽ thu hút người dân tham gia và tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng sôi nổi, hấp dẫn.
Chị Lê Thị Hạnh (tổ dân phố Linh Tiến, phường Thạch Linh) cho biết: “Năm nay, lễ hội có nhiều nội dung mới, nhất là việc tạo điều kiện để các địa phương, dòng họ được rước lễ và cúng tế. Lễ hội không chỉ tạo không khí phấn khởi mà còn là dịp để người dân tri ân các vị tiên hiền, các danh nhân văn hóa đã làm rạng danh quê hương; lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp và lấy đó là bài học giáo dục cho con cháu”.
Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo công tác chuẩn bị, các tuyến đường giao thông, cảnh quan khu vực Văn Miếu được chỉnh trang khang trang là một trong những điểm nhấn để thu hút du khách về với lễ hội năm nay.
Theo ông Nguyễn Duy Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Lễ hội Văn Miếu năm 2024 có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung đến hình thức tổ chức, đảm bảo tính quy mô, bài bản, phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương. Với những nội dung đặc sắc, nổi bật mới, kỳ vọng lễ hội sẽ tạo được sức lan tỏa lớn trong toàn dân; tôn vinh các giá trị văn hóa; tạo không gian sinh hoạt tính ngưỡng cộng đồng và làm động lực để phát triển du lịch tại địa phương. UBND thành phố cũng giao các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, bám sát kế hoạch, chương trình để lễ hội được diễn ra đảm bảo trang trọng, an toàn, văn minh, tiết kiệm.
Chương trình lễ hội
Ngày 23/3 (thứ 7)
- 8h - 8h30: lễ tế tiên hiền, chư thần, danh nhân và các vị đại khoa
- 8h30 - 10h30: Khai mạc trưng bày sách báo; hội thi viết chữ đẹp; cho chữ thư pháp; hội chợ...
- 9h: Khai mạc trò chơi dân gian
- 19h30: Chương trình đêm thơ nhạc "Thành Sen nhịp sống mới"
Ngày 24/3 (Chủ nhật)
- Buổi sáng:
+ Tiếp tục các hoạt động tế lễ của các phường, xã và dòng họ có các vị đại khoa khắc tên trên văn bia
+ Lễ rước cỗ cúng tế của cán bộ và Nhân dân phường Thạch Linh
+ Khai mạc các trò chơi dân gian, thể dục thể thao do phường Thạch Linh tổ chức
- Buổi chiều: Tiếp tục hoạt động tế lễ và đón khách tham quan, tham gia trò chơi
Ngày 25/3 (thứ 2)
- Tiếp tục hoạt động tế lễ của các phường, xã và dòng họ có các vị đại khoa khắc tên trên văn bia; đón du khách tham quan, tham gia các trò chơi
- Bế mạc lễ hội