Thay vì đánh bắt vùng khơi, tàu giã cào HT 90294 xâm phạm vùng lộng Hà Tĩnh, đánh bắt cách bờ chỉ hơn 1 hải lý.
Đúng hẹn. 7 giờ sáng. Chúng tôi lên tàu Kiểm ngư từ Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà) ra khơi “săn” tàu giã cào. Trên tàu, ngoài một số thành viên của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh, Trưởng văn phòng – Giám đốc các Cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn “bổ sung” thêm 2 chiến sỹ của Hải đội 2, Biên phòng Hà Tĩnh cho “có màu áo của lực lượng chấp pháp trên biển, khi phát hiện, xử lý vi phạm sẽ đạt hiệu quả hơn”.
Tàu Kiểm ngư “đạp sóng” ra khơi, kéo theo chiếc ca nô cao tốc để chuẩn bị cho việc tiếp cận cũng như phối hợp truy đuổi những tàu, thuyền đánh cá vi phạm cố tình trốn chạy. Trời yên, biển lặng, chỉ có hơi biển hình như mặn hơn bởi cái nắng chính hạ gay gắt từ sáng sớm.
Sản phẩm mà tàu giã cào "quét" là tất cả những gì có dưới đáy biển gần bờ
Khoảng hơn 1 hải lý, đang “ngon trớn nước”, Thuyền trưởng Phạm Văn Hùng bất ngờ giảm tốc, cho tàu rẽ theo tín hiệu của “hoa tiêu”. Xa xa, một chiếc tàu HT 90294 TS đang đánh cá. Thấy tàu kiểm ngư, chiếc tàu đánh cá nhanh chóng kéo lưới giã cào lên và chuẩn bị di chuyển.
Xuồng cao tốc được sử dụng, lực lượng kiểm ngư tiếp cận “mục tiêu”. Trên đuôi tàu, lưới giã cào vừa được kéo lên. Mới thả lưới nên sản phẩm chỉ là mớ mực, cá nhỏ. Tôi không khỏi xót xa khi thấy trong đó, những con mực, ghẹ bé bằng ngón tay cũng bị “quét” lên. Thậm chí, những chùm trứng mực vướng vào vòng lưới như một minh chứng rõ nhất cho kiểu “đánh bắt hủy diệt”.
Những chùm trứng mực vướng vào vòng lưới minh chứng cho kiểu “đánh bắt hủy diệt”.
Thế nhưng, khi lực lượng kiểm ngư lập biên bản xử lý thì chủ tàu HT 90294 TS Trần Xuân Huỳnh (trú tại xã Thạch Bằng, Lộc Hà) vẫn tỏ thái độ bức xúc: “Phía ngoài kia, hàng chục tàu giã cào lớn dùng lưới điện, chúng tôi không có “đất” nên phải vào đây đánh bắt. Cá ngày càng ít đi, nên chúng tôi phải đánh bắt gần bờ cho đỡ tiền dầu”.
Chủ tàu “leo lẻo” giãi bày, có vẻ như ông không cần biết rằng, ngư trường cạn kiệt hôm nay, một phần cũng bởi những chiếc tàu giã cào càn quét gần bờ. Chính những người đánh bắt “vô tâm”, vi phạm vùng biển của những người khai thác vùng lộng khiến bao ngư dân điêu đứng. Đó là chưa nói, chính những chiếc tàu này đã cuốn trôi, phá hỏng lưới, ngư cụ của những ngư dân đánh bắt truyền thống.
Lực lượng kiểm ngư lập biên bản tàu HT 90294 TS vi phạm vùng đánh bắt.
Trung úy Nguyễn Viết Vinh - Hải đội 2, BĐBP tỉnh cho biết: “Các tàu giã cào thường bỏ chạy, không hợp tác khi bị phát hiện đánh bắt sai vùng biển, nhất là với tàu của các tỉnh khác. Đầu tháng này, khi bị lực lượng Hải đội truy đuổi, 1 chiếc tàu giã cào của tỉnh Quãng Ngãi đã cố tình chạy vòng, tạt mũi. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, buộc lực lượng chấp pháp phải bắn 2 phát pháo lệnh thì chiếc tàu này mới chịu dừng lại”.
Xử lý xong tàu HT 90294 TS, chúng tôi tiếp tục “hải trình”. Từ Lộc Hà vào đến vùng biển thuộc địa bàn huyện Cẩm Xuyên, thỉnh thoảng dừng lại kiểm tra một số tàu thuyền nhưng không phát hiện có hành vi vi phạm. Gần trưa, tàu cập bến.
“Hôm nay chắc “có động”, với lại các chú chưa quen đi biển nên chỉ kiểm soát đến đây thôi” – ông Bùi Tuấn Sơn nửa đùa nửa thật.
Kiểm tra tàu đánh cá bằng lưới truyền thống
Ông Sơn cho biết: Tình trạng đánh bắt hải sản bằng tàu giã cào sai quy định ngày càng phức tạp, thậm chí họ còn dùng cả xung điện 3 pha để hủy diệt ngư trường. Trước thực tế đó, ngày 24/4, Sở NN&PTNT đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá nhằm tập trung lực lượng kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản.
“Chính danh” và có “chiếc gậy pháp lý trong tay”, hoạt động kiểm soát nghề cá, đặc biệt là phát hiện, xử lý các tàu giã cào đánh bắt sai ngư trường thực sự phát huy hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá phối hợp với Hải đội 2 và các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ/ 9 tàu giã cao đánh bắt gần bờ. Nhờ đó, ngư trường vùng gần bờ của những ngư dân hành nghề đánh bắt truyền thống đang dần hồi phục.
Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn khẳng định: “Thời gian này là mùa sinh sản, các loài vào gần bờ sinh nở nhiều nên tàu giã cào cũng sẽ vào theo. Vì vậy, việc tuần tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm minh mới momg giữ được sự ổn định cho ngư trường. Điều cần nhất là chính các ngư dân, khi phát hiện có tàu giã cào đánh bắt trái quy định thì báo cho chúng tôi để xử lý, đó cũng chính là họ đang tự bảo vệ bản thân và nghề của mình”.