Sản lượng đánh bắt đạt thấp nên anh Hoàng Kỳ (Hoàng Mai, Nghệ An) đang sửa soạn để về quê.
Hơn 1 tháng nay, thuyền của anh Hoàng Kỳ (Hoàng Mai, Nghệ An) “nằm vùng” tại ngư trường Cửa Nhượng. Các năm trước, anh Kỳ đánh bắt tại ngư trường này đến tầm tháng 5 (âm lịch) nhưng thời điểm này, sản lượng đánh bắt đạt thấp nên anh đang sửa soạn để cho thuyền nhổ neo.
Anh Hoàng Kỳ chia sẻ: “Như các năm, đến thời điểm này, sản lượng đạt giá trị gần 200 triệu nhưng năm nay mới chỉ đạt khoảng 60 triệu. Tại vùng biển Cửa Nhượng này, cá và mực rất nhiều nhưng năm nay rất khó bắt. Riêng mực, giá thu mua cao gấp đôi, có thời điểm cao gấp rưỡi nhưng không có để nhập cho tiểu thương”.
Ngư dân Nguyễn Phúc Thành (Hoàng Mai, Nghệ An): Các tàu công suất lớn sử dụng xung điện đánh bắt vào ngư trường truyền thống của các tàu công suất nhỏ
Cũng đang sửa soạn để về quê do sản lượng đánh bắt quá thấp, ngư dân Nguyễn Phúc Thành (Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết: “Mọi năm, đánh cách bờ 10 hải lý là mực rất nhiều nhưng năm nay chẳng thấy bóng dáng con mực nào cả. Biển đã hiếm cá, mực, nhiều khi chúng tôi còn đụng chạm với các tàu công suất lớn đánh bắt bằng xung điện. Họ đánh cả vào ngư trường truyền thống của các tàu công suất nhỏ. Với cách đánh bằng xung điện, những đàn cá con cũng bị tận diệt. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lợi hải sản ở vùng biển này đang dần cạn kiệt”.
Do ảnh hưởng của việc đánh bắt bằng xung điện, nhiều ngư dân Cẩm Nhượng gác thuyền tại bến
Ngư dân các vùng miền đã bắt đầu “từ bỏ” ngư trường Cửa Nhượng, còn với ngư dân Cẩm Nhượng, rất nhiều người chán nản và đang gác thuyền tại bến. Có mặt tại gò cá Cửa Nhượng tầm tối – thời điểm thuyền dã cào rục rịch chuẩn bị để ra khơi nhưng chúng tôi không hề bắt gặp bóng dáng một ngư dân nào.
Thay vào đó, những con thuyền nằm trượt dài trên bãi. Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng Nguyễn Thanh Tịnh, việc khan hiếm thủy hải sản đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Ra khơi không đủ bù đắp chi phí dầu máy, thuê nhân công nên nhiều người chọn phương án ở nhà làm các công việc khác.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng (người bên phải) trao đổi với phóng viên về tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên địa bàn
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: "Từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng ngư dân dùng xung kích điện, thậm chí là máy xung điện để đánh bắt cá là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy hải sản ven bờ. So với trước đây, hiện lượng thủy hải sản vùng lộng chỉ bằng 20-30%. Về sản lượng, 3 tháng đầu năm, toàn xã đạt 300 tấn thủy hải sản, chỉ đạt một nửa so với cùng kỳ năm ngoái".
Trước tình trạng báo động về sử dụng xung kích điện đánh bắt trên biển, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã quán triệt các chủ tàu công suất lớn (90 CV trở lên) thực hiện ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp; đồng thời, gửi công văn đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự trên biển, bảo vệ nguồn thủy sản và môi trường biển.
“Để chấm dứt tình trạng này rất khó vì chúng tôi chỉ thực hiện ký cam kết cho ngư dân của địa phương mình, trong khi đó, đánh bắt bằng xung điện thì chủ yếu của ngư dân đến từ Thanh Hóa, Nghệ An” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Sau khi nhận được công văn của chính quyền xã Cẩm Nhượng, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã có công văn triển khai một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường kiểm soát việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Vừa qua (18/4), UBND huyện Cẩm Xuyên cũng tổ chức họp chỉ đạo và thành lập đoàn liên ngành nhằm tăng cường kiểm soát tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy hải sản.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Cảnh - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm cho biết: Mới đây, Đồn Biên phòng Thiên Cầm đã bắt được một ngư dân người Cẩm Xuyên sử dụng kích điện đánh bắt và xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục các ngư dân khác. Hoạt động khai thác thủy hải sản bất hợp pháp diễn ra rất tinh vi.
Mua bán thuốc nổ diễn ra ngay trên biển chứ không qua cửa lạch. Kích điện thường được giấu ngoài đảo nên rất khó để phát hiện. Có những trường hợp, chủ tàu giấu dây điện hoặc gửi dây điện cho những tàu nhỏ và ra đến ngoài biển thì dùng dây điện đấu nối với máy nổ ngay trên tàu nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện” – Thiếu tá Nguyễn Trọng Cảnh trăn trở.