Ngày 10/7, thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết việc này sẽ được thực hiện trước tiên đối với các lỗi được ghi nhận từ hệ thống giám sát do Cục trực tiếp quản lý.
Để thực hiện, Cục sẽ thành lập đội ngũ chuyên trách, có nhiệm vụ phát hiện phương tiện vi phạm qua hệ thống giám sát, tra cứu thông tin chủ xe trong cơ sở dữ liệu đăng ký, và gửi thông báo thông qua các kênh như ứng dụng VNeID, phần mềm chuyên ngành hoặc lực lượng công an xã, phường.
Cùng với đó, Cục Cảnh sát giao thông sẽ đưa vào hoạt động một trung tâm dữ liệu và giám sát hoạt động 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. "Trung tâm sẽ vận hành giống như khoa cấp cứu của bệnh viện, làm việc ba ca liên tục, đảm bảo mọi vi phạm đều được phát hiện và thông báo sớm nhất tới người dân", thiếu tướng Bình nói.
Theo ông, việc gửi thông báo sớm sẽ giúp người dân chủ động xử lý vi phạm, tránh bị phát hiện muộn trong quá trình đăng kiểm hoặc thực hiện các thủ tục hành chính khác. Đồng thời, điều này cũng đặt ra yêu cầu chủ phương tiện phải hoàn tất thủ tục sang tên khi mua bán xe, nếu không sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có vi phạm xảy ra.
Cục Cảnh sát giao thông cũng đang xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông toàn diện. Những hành vi vi phạm có thể phát hiện bằng hệ thống sẽ được giám sát 24/7, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng chức năng. "Chúng tôi không đặt mục tiêu xử phạt, mà mong muốn giúp người dân chấp hành, tự bảo vệ mình trên đường", thiếu tướng Bình nhấn mạnh.
Với các lỗi cần kiểm tra trực tiếp như nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát vẫn phải trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, những vi phạm có thể phát hiện bằng công nghệ sẽ từng bước được tự động hóa, hướng tới xử lý không giấy tờ, không giữ bằng lái hay chứng minh nhân dân. Mọi thông tin sẽ được đối chiếu trên hệ thống dữ liệu, với căn cước công dân làm đầu mối truy xuất thông tin.
Mục tiêu của Cục là "xử lý đúng người, đúng hành vi, có chứng cứ điện tử rõ ràng, hạn chế tranh cãi, giảm thủ tục hành chính". Hiện tại, để ra một quyết định xử phạt, người vi phạm phải ký ít nhất 11 loại giấy tờ; sắp tới, quy trình sẽ được tinh gọn, tiến tới xử phạt hoàn toàn qua môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát giao thông cũng đang nghiên cứu cấp giấy phép lái xe điện tử mà không thu lệ phí. Theo đó, chỉ vài giờ sau khi sát hạch, người thi đỗ có thể nhận giấy phép lái xe điện tử thay vì chờ đợi thẻ cứng như hiện nay.
"Cảnh sát giao thông phải thay đổi tư duy, tập trung phục vụ nhân dân, giải quyết tận gốc các vấn đề thay vì xử lý phần ngọn. Tinh thần là người dân phải hiểu luật, chấp hành tốt, còn cảnh sát là người hỗ trợ, hướng dẫn", tướng Bình nói.