Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng

(Baohatinh.vn) - Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng, việc nâng cao cảnh giác và nhận diện sớm các thủ đoạn xâm hại là điều vô cùng cần thiết.

Trong thời đại số, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị kết nối Internet đã trở thành một phần quen thuộc của nhiều gia đình. Do đó, trẻ em cũng có cơ hội tiếp xúc sớm và thường xuyên với không gian mạng, không chỉ để học tập mà còn để giải trí, kết nối bạn bè. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những nguy cơ tiềm ẩn khi các đối tượng xấu có thể lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng của trẻ để tiếp cận, dụ dỗ dưới hình thức kết bạn, trò chuyện, thậm chí giả danh yêu đương nhằm thực hiện hành vi xâm hại.

Vào tháng 3/2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) nhận được đơn trình báo của gia đình cháu T. (16 tuổi) về việc cháu T. có trò chuyện với một đối tượng trong game có nickname là K.

Qua trao đổi, K. hứa hẹn cho cháu T. tài khoản game với điều kiện cháu T. phải gửi video tự quay không mặc quần áo. Sau đó, đối tượng đã sử dụng video trên để đe dọa cháu T. hằng ngày phải gửi video clip khiêu dâm cho đối tượng. Khi cháu T. không đồng ý, đối tượng đã gửi video của cháu T. cho bạn của cháu trên mạng xã hội để đe dọa và yêu cầu phải chuyển tiền.

bqbht_br_img-1738-copy.jpg
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đưa cháu L.P.L. về Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4/2024, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) giải cứu thành công cháu L.P.L. (13 tuổi, người dân tộc Thái, quê huyện Mường Ảng, Điện Biên) bị lừa bán ra nước ngoài về tới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo an toàn. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, vào khoảng tháng 9/2022, cháu L. quen một người phụ nữ trên mạng xã hội. Sau đó, L. bị người phụ nữ dụ dỗ, lừa bán sang Myanmar. Sau khi cháu L. sập bẫy, chúng bắt ép phải lao động vất vả.

Những sự việc đau lòng trên là minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ nguy hiểm tiềm ẩn khi trẻ em tiếp xúc với không gian mạng mà thiếu sự giám sát và trang bị kỹ năng cần thiết.

z6755015354438-6887081f3a0e5c20af0539e902315db1.jpg
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) đưa ra cảnh báo về xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

Theo cảnh báo từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh), hiện nay, các đối tượng xấu thường sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, các ứng dụng hẹn hò (Tinder, Litmatch...), nền tảng nhắn tin, video call, hoặc game online (Liên Quân, PUBG, Free Fire...) để tiếp cận trẻ em, học sinh. Các đối tượng đóng giả làm người đồng trang lứa, dùng hình đại diện bắt mắt, ngôn ngữ thân thiện để kết bạn và trò chuyện. Ban đầu là hỏi thăm, chia sẻ tâm tư, sở thích… dần dần tạo được niềm tin nơi trẻ.

Khi đã chiếm được lòng tin, các đối tượng bắt đầu dụ dỗ trẻ gửi ảnh, video nhạy cảm. Sau khi có được những hình ảnh riêng tư, chúng đe dọa sẽ phát tán nếu trẻ không tiếp tục cung cấp thêm hoặc làm theo yêu cầu của kẻ xấu. Một số trường hợp còn bị tống tiền, buộc tham gia vào các hành vi lệch chuẩn như gọi video khiêu dâm, giả danh yêu đương để lừa đảo hoặc sử dụng ảnh trẻ nhằm tạo tài khoản ảo với mục đích xấu.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) nhận định: “Những thủ đoạn này không mới nhưng ngày càng tinh vi và khó lường hơn. Các đối tượng biết cách tận dụng công nghệ để xóa dấu vết, khiến việc phát hiện và truy vết gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng là phải ngăn chặn ngay từ đầu, bằng việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh và trang bị kỹ năng cho trẻ.”

bqbht_br_z6755015086221-e7e8d48227020186db2307c712389598.jpg
bqbht_br_z6755015088408-4ed41b47c134a208670278009c4d5c1a.jpg
Cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền, cảnh báo cho học sinh về những thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng.

Điều đáng lo ngại là trong khi trẻ em đang ngày càng dễ dàng truy cập Internet thì nhiều bậc cha mẹ lại chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động trực tuyến của con. Một bộ phận phụ huynh giao thiết bị cho con để học tập hoặc giải trí mà không kiểm soát việc con sử dụng các nền tảng nào, kết bạn với ai, đang nói chuyện gì.

Chị N.T.T (thị trấn Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ cho con học online là tốt, nhưng không để ý rằng bé dùng luôn điện thoại để chơi game, nhắn tin với người lạ. May mà con kể chuyện kịp thời khi có người gợi ý gửi ảnh thân mật, tôi mới giật mình kiểm tra kỹ hơn.”

Từ thực tiễn giám sát an ninh mạng tại địa phương, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện với con về an toàn mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư cho người lạ, không chuyển tiếp video hoặc nội dung nhạy cảm. Nếu con có biểu hiện lo lắng, sợ hãi khi sử dụng điện thoại, cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân thay vì trách mắng. Đồng thời, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ con em bị dụ dỗ, đe dọa qua mạng cần nhanh chóng lưu giữ bằng chứng và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

chatgpt-image-07-28-04-30-thg-6-2025.png
Trẻ em cần được trang bị các kỹ năng nhằm phòng tránh bị xâm hại trên không gian mạng. (Ảnh minh họa).

Với trẻ em và thanh thiếu niên, cần tuyệt đối không gửi ảnh, video nhạy cảm cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là người quen, bạn học, anh chị họ… Không chia sẻ thông tin như tên trường, địa chỉ nhà, số điện thoại cho người lạ trên mạng. Khi gặp tình huống nghi ngờ như bị yêu cầu gửi ảnh, clip, hoặc bị đe dọa, cần báo ngay cho người lớn, thầy cô, hoặc cơ quan công an...

Không gian mạng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, với trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất thì không gian đó cần được “thiết lập rào chắn” đúng mức. Đó là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng, nhà trường mà trên hết là của mỗi gia đình.

Chủ đề Tuyền truyền phổ biến pháp luật

Đọc thêm

Tòa tuyên phạt bà Hoàng Thị Thúy Lan 14 năm tù

Tòa tuyên phạt bà Hoàng Thị Thúy Lan 14 năm tù

Lúc 9h sáng 11/7, hội đồng xét xử bắt đầu công bố bản án, cáo buộc cựu bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhận hối lộ 25 tỉ và 1 triệu USD từ ông chủ Phúc Sơn. Nhiều cựu lãnh đạo khác của Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi nhận tiền từ vài tỉ đến gần 50 tỉ.
Những người “gác cửa” pháp luật từ cơ sở

Những người “gác cửa” pháp luật từ cơ sở

Dù ở bất kỳ địa bàn nào, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp xã, phường tại Hà Tĩnh đều nỗ lực trở thành "cánh tay nối dài" của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được thực hiện một cách tốt nhất.
Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nâng gấp 2 lần hình phạt tiền với 24 tội danh, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng...
Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân hoặc tổ chức có nhu cầu đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể được lựa chọn đăng ký xe tại Phòng CSGT hoặc bất cứ công an cấp xã nào trong địa bàn tỉnh, thành phố mà mình đang cư trú hoặc có trụ sở.