Các chuyên gia cho rằng rất khó để luận tội những "con sói đơn độc" vì không đủ bằng chứng.
Vụ xả súng ở Đức vào ngày 22/7 là vụ tấn công thứ 3 vào các thành phố châu Âu chỉ trong 8 ngày qua. Trước đó, là vụ tấn công bằng rìu trên tàu hỏa tại Đức khiến 4 người bị thương nghiêm trọng. Và vào ngày 14/7 vừa qua, một vụ khủng bố cũng đã xảy ra tại Nice, Pháp khiến hàng trăm người thương vong.
Tất cả những vụ tấn công này đều có một điểm chung là được thực hiện bởi những cá nhân riêng lẻ, hay còn gọi là “sói đơn độc”. Kiểu tấn công này đang khiến giới chức nhiều quốc gia châu Âu phải lo ngại vì để ngăn chặn chúng thật sự là một bài toán khó.
Những kiểu tấn công không có dấu hiệu cảnh báo, không có tổ chức, nhưng lại có tầm sát thương rất cao vì chúng xảy ra vào những thời gian và địa điểm không ai ngờ tới.
Theo các chuyên gia tâm lý tội phạm, càng nhiều người tham gia vào một cuộc tấn công thì càng dễ thu thập thông tin cần thiết để ngăn chặn vụ việc đó. Tuy nhiên, “Những con sói đơn độc” chỉ có một mình, không hoạt động theo mạng lưới, không có kẻ đồng phạm. Chính vì vậy, âm mưu tấn công của chúng thường khó bị phát hiện.
Mặc dù chưa thể khẳng định được vai trò của IS trong những vụ tấn công này, cũng như chưa ai dám chắc vụ ngày 22/7 tại Đức là tấn công khủng bố. Nhưng thời gian qua thủ lĩnh IS đã tích cực kêu gọi những kẻ ủng hộ IS hoặc là tới Syria để chiến đấu, hoặc tấn công đơn lẻ ở các quốc gia châu Âu ngay tại nơi đang sinh sống.
Tấn công vào dịp lễ hội, tấn công vào những địa điểm công cộng bình thường, tấn công những người dân địa phương không một tấc vũ khí trong tay, là kiểu của những con sói đơn độc.
Và châu Âu đang dần phải đối mặt với một làn sóng tấn công mới có thể còn nguy hiểm hơn những vụ bạo lực có tổ chức.