Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào sáng 27/10. Ảnh: Quochoi.vn.
Phát biểu ý kiến về chính sách dư nợ vay, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đánh giá: “Theo luật định, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20% song hiện nay, các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại”.
Đại biểu nêu thực tế, tại Thanh Hoá, năm 2021, mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng, nhưng dư nợ vay đến cuối năm dự kiến là 718 tỷ đồng (chỉ bằng 27,2% mức cho phép). Tương tự, tỉnh Nghệ An hiện vẫn chưa sử dụng hết mức trần theo quy định.
Đối với TP. Hồ Chí Minh là nơi có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn ở mức cao, đến cuối năm 2020 cũng chỉ đạt 34,9% mức cho phép. Qua thống kê tổng thể cho thấy, mức dư nợ vay tại các địa phương luôn ở mức rất thấp.
Từ đó, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay; cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương đang nhận trợ cấp Trung ương.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại phiên họp.
Theo dự thảo nghị quyết, TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đề xuất: Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố sẽ quyết định việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ. Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị làm rõ các loại đất trên đã tính toán trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia của địa phương hay chưa. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm sử dụng đất và bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền.
Theo đại biểu Thơ, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 3/6 tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ nên về cơ bản, các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất tương đồng nhau. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết vẫn chưa có những cơ chế, chính sách mới, tương thích với đặc thù của tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, vùng, các thành phần kinh tế, loại hình sản xuất kinh doanh; đồng thời gắn với thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề xuất Quốc hội cần lựa chọn, cho thí điểm cơ chế đặc thù tập trung vào một vùng kinh tế đang có nhiều tiềm năng và động lực phát triển. Từ đó sau 5 năm thí điểm, nếu thành công thì luật hóa để áp dụng cho các vùng kinh tế trong cả nước.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đề nghị cần sớm tổng soát và điều chỉnh hệ thống pháp luật về ngân sách nhà nước; chính sách cần phù hợp với đặc trưng của từng vùng, mang tính tổng thể; phân loại thành nhóm cho các địa phương; các quy định cần phải được thể chế hoá trong hệ thống pháp luật; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả cho hệ thống pháp luật hiện hành.