Buồn vui chuyện chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần

(Baohatinh.vn) - Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần không chỉ bị phân biệt đối xử, kỳ thị mà thậm chí một số người còn bị lạm dụng tình dục và thể chất. Do đó, tôn trọng nhân phẩm bệnh nhân tâm thần là Thông điệp khẩn thiết mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chuyển tải qua chủ đề ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay (10/10/2015) “Nhân phẩm trong sức khỏe tâm thần”.

Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10:

Muôn kiểu bệnh nhân tâm thần

Thoạt nhìn, không ai có thể nghĩ T. (ở TX Kỳ Anh) là bệnh nhân tâm thần. 20 tuổi, T. trông hiền lành, điển trai. Bà N.T.T (mẹ T.), người không rời mắt khỏi em trong hành lang bệnh viện, buồn tủi: “Khổ lắm con ạ, nó mới phát bệnh 2 năm nay. Học hết THPT rồi đi làm công nhân, không ngờ, một hôm T. cứ nói sảng liên tục và trở nên đờ đẫn, vô hồn, ai bảo gì cũng không nghe… Nhiều người cho là nó bị bệnh “âm”, gia đình đã tìm rất nhiều thầy nhưng không chữa được nên đành phải đưa đến đây”.

Khác với những gì tôi tưởng tượng, trong hành lang và các buồng bệnh Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh, bệnh nhân rất đa dạng và các biểu hiện tâm thần không ai giống ai. Một cậu thanh niên cao to, khỏe mạnh “ngoan ngoãn” để người anh dắt đi bằng chiếc dây buộc vào cổ tay; một ông già rất đẹp lão luôn miệng nói: “Cám ơn đồng chí, chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, công tác tốt”; một cô gái độ ngoài 20 tuổi mặc chiếc quần đùi chạy lung tung… Và đâu đó, lại có tiếng gào thét; tiếng bước chân thình thịch…

Buồn vui chuyện chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần ảnh 1

Quỹ "Vì bệnh nhân tâm thần nghèo" của Bệnh viện Tâm thần tỉnh góp phần giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân.

Bệnh tâm thần có nguyên nhân chủ yếu từ yếu tố di truyền. Tuy nhiên, những bệnh tâm thần liên quan đến yếu tố xã hội ngày càng nhiều. Đáng lo ngại nhất là không phải ai cũng biết mình mắc bệnh, trong khi nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần còn nhiều hạn chế.

Công tác điều trị - cần sự phối hợp

Nhắc đến “tôn trọng nhân phẩm bệnh nhân tâm thần”, tôi lại nhớ về câu chuyện của thầy H., một giáo viên dạy giỏi. Lần ấy, tôi gặp thầy khi thầy vừa nhận giải nhất cuộc thi sáng tạo KHKT về đề tài liên quan đến giáo dục. Thầy H. kể: “Những năm mới vào nghề, do áp lực công việc, cộng với hoàn cảnh khó khăn, tôi bị chứng mất ngủ, phải tìm đến bệnh viện và được chuyển vào khoa tâm thần để điều trị. Hồi ấy, kể cả bác sỹ và người nhà đều quá cứng nhắc, cứ xem tôi là một người tâm thần, hoàn toàn không biết gì và áp đặt mọi thứ. Tôi nói gì cũng không ai tin. Vì thế, bệnh ngày một nặng...

Trong hoàn cảnh đó, tôi buông bỏ tất cả. Không ngờ… sức khỏe dần hồi phục. Tôi trở lại điều trị, có sự phối hợp tích cực giữa bác sỹ và bệnh nhân nên kết quả rất tốt. Ngày tôi trở lại trường để xin tiếp tục dạy học, thầy hiệu trưởng còn giơ ngón tay lên bảo tôi đếm để… thử xem tôi đã thực sự bình thường chưa?!”.

Theo WHO, đầu thế kỷ XXI, hầu hết các rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán và điều trị được. Tuy nhiên, có hơn 500 triệu người trên thế giới mắc phải rối loạn tâm thần vẫn đang bị thách thức bởi sự xấu hổ, kỳ thị và phân biệt.

Tại Hà Tĩnh, Bệnh viện Tâm thần đã được thành lập và đầu tư xây dựng mới bằng nguồn trái phiếu Chính phủ với quy mô 100 giường bệnh. Bệnh viện đã đi vào hoạt động giai đoạn I với quy mô 50 giường bệnh. 6 tháng đầu năm 2015, đã có 1.589 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó, bệnh nhân lập hồ sơ bệnh án ngoại trú 132 trường hợp và điều trị nội trú 413 trường hợp (213 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 61 bệnh nhân động kinh và 139 trường hợp mắc các bệnh tâm thần khác). Ngoài ra, bệnh viện duy trì quản lý điều trị 3.706 bệnh nhân tại cộng đồng.

Giám đốc Bệnh viện Đinh Nho Quang cho biết: Việc tổ chức khám và điều trị cho bệnh nhân tâm thần gặp rất nhiều khó khăn. Nhân lực yếu và thiếu nên chỉ đáp ứng một số hoạt động chuyên môn; thiếu phương tiện, trang thiết bị; công tác phối hợp thực hiện dự án đối với một số tuyến chuyên khoa chưa tốt; thuốc điều trị chưa đa dạng, nhất là các thuốc an thần cung cấp chậm và thuốc mới chưa có nên không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nặng kháng thuốc...

Sức khỏe tâm thần là nền tảng của sức khỏe tổng thể và hạnh phúc. Không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều người chưa nhận thức đầy đủ vấn đề này. Nhiều gia đình có người bị bệnh tâm thần nhưng không đưa người bệnh đến các cơ sở y tế; thiếu phối hợp với các y, bác sỹ trong quá trình điều trị dẫn đến bệnh không thuyên giảm mà còn có triệu chứng nặng lên. Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay, WHO khuyến cáo tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức để đảm bảo rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể tiếp tục sống với phẩm giá của họ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast