Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Suốt nhiều năm nay, nhiều người chạy thận ở Hà Tĩnh phải chống chọi với bệnh tật trong các căn phòng trọ tồi tàn, thiếu thốn đủ thứ. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng tình người đã giúp họ xích lại gần nhau hơn.

Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

Những ngày trung tuần tháng 10, khi trời chuyển lạnh, khu nhà trọ của các bệnh nhân chạy thận nằm trước khu vực cổng BVĐK tỉnh Hà Tĩnh buồn hiu hắt.

Dãy nhà trọ nằm đầu ngõ 10 đường Hải Thượng Lãn Ông (TDP 4, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) có 3 phòng thì cả 3 đều là bệnh nhân chạy thận thuê ở dài ngày nên được gọi là “xóm chạy thận”.

Chị Nguyễn Thị Hợp (32 tuổi, trú huyện Vũ Quang) thuê phòng trọ ở đây hơn 2 tháng nay để điều trị bệnh thận tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vì có con nhỏ mới 6 tuổi nên chị phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc, một mình xuống đây lo mọi việc. Ngoài thời gian đến bệnh viện, chị lủi thủi trong căn phòng trọ, nhiều đêm khóc thầm vì nhớ con.

Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

Chị Hợp chạy thận hơn 2 tháng nay, lủi thủi một mình trong căn phòng trọ tuềnh toàng.

Căn phòng chị Hợp thuê đã cũ, mấy hôm trời mưa, nước tràn vào thềm, trần nhà dột nên không ai ngủ trọn giấc. Tuy nhiên, vì giá thuê rẻ nên mọi người vẫn phải chọn làm điểm trú thân bởi hoàn cảnh quá khó khăn.

“Cuối tuần tôi thường tranh thủ về thăm con, khỏe thì đi xe buýt, không thì gọi chồng xuống đón. Sức khỏe yếu nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng vì con nên cố gắng tiếp tục chữa trị, được ngày nào hay ngày đó” - chị Hợp tâm sự.

Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

Điều kiện kinh tế khó khăn, khẩu phần ăn của chị Hợp cũng hết sức đơn giản với món chính là bí luộc.

Cạnh phòng của chị Hợp là phòng trọ của ông Võ Văn Thêm (61 tuổi, trú xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên). Ông Thêm bị suy thận nên phải “làm bạn” với máy chạy thận 5 năm nay. Nhà xa, sức khỏe kém nên ông phải thuê trọ. Vợ ông là bà Lê Thị Hợp (60 tuổi) đi theo để nấu ăn, chăm sóc. Cả hai ở trong căn nhà trọ hơn 10 m2.

Nhà vốn làm nông, kinh tế khó khăn, từ ngày ông mang bệnh đã bán hết tài sản để chữa trị. 4 người con đều đi làm ăn xa nên một mình bà Hợp lo mọi việc cho chồng.

Tiền chạy thận có bảo hiểm chi trả, nhưng tiền trọ, tiền điện nước, tiền thuốc men ông bà phải lo. Ăn uống của hai ông bà cũng tạm bợ qua ngày, hôm cơm canh rau, hôm cơm với muối vừng lạc.

Tuần 3 buổi, bà đẩy xe lăn đưa ông vào BVĐK tỉnh Hà Tĩnh để chạy thận, rồi về lo từng bữa ăn.

Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

Ông Võ Văn Thêm cùng vợ sống trong căn phòng trọ chật chội, thiếu thốn nhiều thứ.

“Ở tuổi này lẽ ra được sum vầy bên con cháu mà giờ chúng tôi còn chịu cảnh đi ở trọ. Nhiều lúc bí bách, tôi than với ông ấy ở đây như ở nhà tù, nhưng cũng không còn cách nào khác. Bệnh tình ông như vậy nên phải chấp nhận, còn chút hy vọng thì phải cố gắng” - bà Hợp chia sẻ.

Với những người chạy thận, khó khăn bộn bề. Nhưng trong xóm trọ nghèo, họ vẫn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ mọi thứ mà mình có. Khi rảnh rỗi, họ ngồi trong phòng trọ kể cho nhau nghe về chuyện đời của mình. Đôi lúc đêm khuya có người trong xóm ốm nặng, họ lại gọi nhau thăm hỏi.

“Có cân gạo, có miếng thịt đều san sẻ cho nhau, ai đau ốm chúng tôi đều qua hỏi thăm. Ở trong cảnh nghèo khổ, mọi người sống đùm bọc lẫn nhau nên cũng đỡ tủi thân” - ông Thêm nói.

Chuyện về “xóm chạy thận” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

Những người chạy thận dù gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thống nhưng họ vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Ở xóm trọ này, khốn khó nhất là hoàn cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dần (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tân (70 tuổi), trú xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn. Bà Tân bị mù lòa 13 năm nay. 5 năm qua, ông bà phải xuống thành phố thuê trọ để bà đi chạy thận. Cuộc sống khó khăn, những hôm bà Tân nằm trong phòng chạy thận, ông Dần tranh thủ đi gom ve chai, ống nhựa bán kiếm tiền cơm cho vợ.

Cảm thương hoàn cảnh của những người khốn khó này, chị Lê Thị Thanh (chủ nhà trọ) ngoài giảm tiền thuê phòng thì thỉnh thoảng mỗi dịp về quê vào lại đem cho “hàng xóm” của mình khi ít cân gạo, lúc bó rau hay chục trứng.

Ông Nguyễn Viết Lưu – Tổ trưởng TDP 4, phường Bắc Hà cho biết, hoàn cảnh của những người chạy thận rất khó khăn, chính quyền địa phương đã thường xuyên đến động viên, hỏi thăm sức khỏe. Chúng tôi cũng đã lên danh sách để tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho những người sống ở xóm trọ đặc biệt này.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast