Bệnh nhân chạy thận: Lặn lội thân cò...

(Baohatinh.vn) - Mỗi lần đến phòng chạy thận nhân tạo (khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh) lại thêm một lần tôi nặng trĩu nỗi lòng. Những mảnh đời, con người khốn khổ vì căn bệnh này dường như dồn lên khuôn mặt khắc khổ và ánh mắt nhọc nhằn…

Không biết kêu ai

Tờ mờ sáng, phòng chạy thận nhân tạo đã bắt đầu đón “khách”. Họ là bệnh nhân đến trong ngày, về trong ngày, nhưng là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện. Có lẽ vì thế mà tất cả đội ngũ cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở đây đều rất rõ hoàn cảnh của nhau.

Điều dưỡng Nguyễn Huy Bá, phục vụ tại phòng chạy thận nhân tạo tâm sự: “Bệnh nhân chạy thận nghèo lắm. Chúng tôi chỉ mong ai hỏi thăm đến để giới thiệu hoàn cảnh của họ, mong sao có được sự giúp đỡ. Những ai đã mắc căn bệnh này thì… gia đình khá cũng rớt xuống nghèo, còn đã nghèo thì cùng kiệt luôn”…

Bệnh nhân suy thận mãn ngày một gia tăng và trẻ hóa
Bệnh nhân suy thận mãn ngày một gia tăng và trẻ hóa

Anh Bá đọc cho tôi nghe một loạt bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt đã được anh ghi sẵn trong tâm trí rồi dẫn tôi vào phòng chạy thận. Đến gần 1 nam thanh niên đang chăm chú nhìn vào cánh tay được “kết nối” với chiếc máy, anh giới thiệu: Đây là bệnh nhân Trần Văn Khương (SN 1985, quê ở Đức Lập, Đức Thọ) “bám trụ” ở đây khá lâu rồi, đã có vợ và 1 con.

Mệt mỏi nhưng thấy có người hỏi thăm, anh Khương trở nên linh hoạt hơn. Gần 3 năm nay, anh sống được nhờ chiếc máy chạy thận. Bố mẹ anh làm ruộng. Bố là thương binh hạng nhẹ, mỗi tháng được 1,4 triệu đồng trợ cấp. Vợ không có thu nhập kể từ ngày theo anh về quê chữa bệnh. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày…, cứ thế, tài sản trong gia đình đều theo anh đi bệnh viện. Sức khỏe anh ngày càng yếu mà gánh nợ ngày càng lớn. Vợ anh quá mệt mỏi đã đưa con về quê ngoại ở miền Nam.

Khương tâm sự: “Mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, lại phải thường xuyên cấp cứu nên không dám về nhà mà phải thuê phòng trọ 800.000 đồng/tháng ở gần bệnh viện; tiền thuốc mua thêm có tháng lên đến 5 triệu đồng. Thương bố mẹ lắm nhưng không biết làm sao”…

Bệnh nhân Võ Văn Phú (SN 1978, quê ở Trường Lộc, Can Lộc) bị liệt 2 chân nhưng anh tự đến phòng chạy thận nhân tạo bằng chiếc xe máy 3 bánh cải tiến. Anh Phú chưa có gia đình; bố mẹ mất, 3 anh em ở với nhau. Năm 2005, anh Phú bị tai nạn và cũng từ đó, anh coi “bệnh viện là nhà”. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, anh không nói gì, đôi mắt nhìn về xa xăm…

Bệnh nhân khóc nhưng người nhà còn khóc nhiều hơn, đó là những gì tôi được chứng kiến tại phòng chạy thận nhân tạo BVĐK tỉnh. Trước những lời hỏi thăm, bà Đoàn Thị Lục, vợ bệnh nhân Lê Huy Cửu (xóm Hạ, Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) không giấu nổi những giọt nước mắt. Vợ chồng bà không có con, sống bằng nghề đánh bắt cá và làm muối. Cách đây 7 năm, ông bị tai biến và suy thận. “Ông ấy chạy thận bao nhiêu ngày là chừng đó thời gian tôi ở trong bệnh viện. Giờ nợ ngân hàng đã lên đến 100 triệu đồng. Hôm nào ông khỏe hơn thì tôi tranh thủ xuống nhà hàng giúp việc kiếm được khoảng 50.000 đồng/buổi, không đáng là bao so với tiền thuốc của ông”, bà Lục nghẹn ngào.

Hầu hết bệnh nhân chạy thận giai đoạn cuối đều phải thuê phòng trọ gần bệnh viện. Có những người đã hơn 10 năm; có những gia đình có đến 2 người chạy thận. Không ít người nhiều năm nay đã để “vườn không, nhà trống” lên thành phố thuê trọ chỉ vì người thân chạy thận. Bà Trần Thị Nga (xã Hòa Hải, Hương Khê) cho biết: “Từ tết đến giờ, tôi theo ông ở đây không về. Muốn xin các tổ chức xã hội cho ông cái xe lăn để đi lại cũng không có thời gian; xét chế độ, chính sách cho đối tượng chất độc da cam cũng không về được… Con phải đi làm xa để kiếm tiền giúp bố chữa bệnh”.

Bệnh nhân đang trẻ hóa

Thực tế đáng buồn hơn đó là bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang trẻ hóa. Trong số 167 bệnh nhân tại BVĐK tỉnh thì có đến 124 người trong độ tuổi lao động; 65/167 bệnh nhân 20-40 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe.

Bác sỹ Hoàng Quang Trung - Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc BVĐK tỉnh cho biết: Số bệnh nhân bị suy thận bẩm sinh rất ít mà chủ yếu là do thiếu hiểu biết, ăn uống không đảm bảo nên khả năng chống đỡ bệnh tật kém. Mặt khác, có những người được phát hiện sớm nhưng do điều trị không triệt để, dùng thuốc bừa bãi, nhất là lạm dụng thuốc nam nên bệnh nặng dần, dẫn đến khả năng hồi phục kém.

Cũng theo bác sỹ Trung, hiện tỷ lệ bệnh nhân suy thận mãn tại Hà Tĩnh được chạy thận còn thấp. Hầu hết các bệnh nhân được phát hiện suy thận mãn đều do đến để cấp cứu các bệnh khác như tai biến, phù phổi, thiếu máu… Bác sỹ Trung khuyến cáo, nếu biết thiếu máu hoặc có các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý lấy thuốc uống, nhất là thuốc nam. Cần phải khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng thận… Phát hiện sớm, điều trị sớm chức năng thận sẽ phục hồi, tránh được nguy cơ tử vong và phải chạy thận tốn kém.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.