Hơn 2 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường mà không biết

Ước tính khoảng 3,8 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường, đến hơn 60% trong số này chưa được chẩn đoán và điều trị.

“Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam, là gánh nặng cho bệnh nhân, đồng thời là gánh nặng kinh tế cho xã hội”, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nói tại Hội thảo triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2, chiều 30/12.

Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, 463 triệu người lớn, độ tuổi 20-79 đang sống với bệnh tiểu đường trong năm 2019 trên toàn cầu. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người. Như vậy, cứ một người trong 10 người lớn sẽ mắc bệnh tiểu đường. 46,5% người đang sống với bệnh tiểu đường không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, dự báo năm 2040, khoảng 6,1 triệu người mắc bệnh và xu hướng ngày càng trẻ. Trước kia bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nay dần xuất hiện ở tuổi 30, có cả trẻ em. Trong đó, 70% bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh type 2 song chưa đạt mục tiêu điều trị.

“Tiểu đường gây nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, cụt chi”, ông Khuê nhấn mạnh.

Hơn 2 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường mà không biết

Bệnh nhân tiểu đường dễ gặp biến chứng ở bàn chân. Ảnh: Thúy Quỳnh.

Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết nguyên nhân chủ yếu gia tăng người bệnh tiểu đường là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống hiện đại, bên cạnh yếu tố di truyền.

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời. Bệnh nhân cần được điều trị thích hợp ở từng giai đoạn bệnh, theo tiến triển tự nhiên của bệnh nhằm giảm biến chứng, nâng cao chất lượng sống.

Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025.

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Hiện, Bộ Y tế vừa triển khai cập nhật hướng dẫn này, tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Bộ Y tế cũng cập nhật công cụ để giúp các nhân viên y tế bổ sung kiến thức điều trị bệnh này. Ứng dụng Diabetes Journey , được Bộ Y tế phê duyệt năm 2019, giúp bác sĩ lựa chọn phương án điều trị phù hợp từng bệnh nhân.

Hơn 2 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường mà không biết
Theo Lê Nga/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast