Với lượng giãn nước tối đa lên tới 48.000 tấn, ngang với những hàng không mẫu hạng tầm trung, tàu ngầm lớp Akula Liên Xô được coi là kỳ quan công nghệ trong lòng đại dương.
Cho đến hiện tại đây vẫn là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất mà con người từng chế tạo và có lẽ chúng sẽ mãi là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới.
Trong khi các tàu ngầm hạt nhân khác chỉ có lượng giãn nước tối đa từ 8.000 tới 14.000 tấn thì lượng giãn nước tối đa của con tàu này gấp tới 4-5 lần
Tàu ngầm Đề án 941 Akula là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được triển khai bởi Liên Xô trong những năm 1980.
Liên Xô chế tạo siêu tàu ngầm này nhằm mục đích giành thế thượng phong trong lòng đại dương trước Mỹ và NATO.
Chiếc tàu ngầm này có khả năng lặn hàng tháng trời, âm thầm hoạt động trong lòng đại dương bao la để bất ngờ tung ra đòn tấn công hạt nhân vào đối thủ.
Đây chính là lý do để NATO gọi loại tàu ngầm này là Typhoon (cuồng phong)
Số vũ khí của con tàu này đủ để tấn công đồng thời 200 mục tiêu lớn trên mặt đất với tổng diện tích 7.000 km², từ khoảng cách 10.000 km,
Akula có thể mang được 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-39 (NATO gọi là SS-N-20 Rif) tầm bắn 8.300 km, mỗi tên lửa này lại có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân 500 kT.
Ngoài ra R-39 còn có thể gắn đầu đạn hạt nhân tấn công đa mục tiêu (MIRV) với 4 - 5 đầu đạn còn 200 kT.
Tàu ngầm lớp Akula còn có cả ngư lôi để tiêu diệt tàu ngầm khác, gồm có 6 ống phóng và 20 phương tiện phóng có thể bắn đi 2 loại ngư lôi chính là RPK-2 (SS-N-15 Viyuga), hoặc ngư lôi Type 53.
Những ngư lôi này chủ yếu dùng để tấn công tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm cỡ nhỏ và khinh hạm. 2 ống phóng có khả năng bắn loại RPK-7 (SS-N-16 Vodopa) dùng để tấn công các tàu ngầm cỡ lớn và tàu sân bay.
Để mang được lượng vũ khí khủng khiếp này, Akula có một kích thước rất lớn với chiều dài 172,8m; chiều rộng 23,3m.
Tàu đạt tốc độ 12 hải lý/h khi nổi và 25 hải lý/h khi lặn, hoạt động liên tục 180 ngày đêm dưới biển. Thủy thủ đoàn gồm 160 người.
Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân OK-650VV công suất 190 MW, 2 turbine công suất 45.000 - 50.000 mã lực, cùng 2 động cơ diesel ASDG 800 kW.
Tàu còn được lắp đặt thiết bị phát hiện tàu ngầm có tác dụng tìm kiếm và tấn công chủ động/bị động, bố trí phía dưới khoang chứa ngư lôi.
Với radar phát hiện mục tiêu nổi băng I/J cùng các thiết bị đối phó gồm ESM (thiết bị hỗ trợ điện tử), hệ thống cảnh báo radar và hệ thống định vị, Akula dễ dàng phát hiện ra các mục tiêu.
Akula còn có cả hệ thống thông tin liên lạc radio và vệ tinh.
Tàu có 2 phao anten nổi để thu tín hiệu radio, dữ liệu chỉ thị mục tiêu và tín hiệu dẫn đường vệ tinh khi hoạt động sâu hoặc dưới các lớp băng.
Được coi là một kỳ quan công nghệ của Liên Xô, tuy nhiên do chi phí vận hành quá cao nên hiện tại chỉ còn duy nhất một chiếc Akula đang hoạt động trong Hải quân Nga dưới vai trò nền tảng thử nghiệm cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava.