Tiết mục “Trai bàu rượu - Gái chợ Gôi” của CLB dân ca ví giặm xã Sơn Hòa (Hương Sơn) tại Liên hoan Dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V, năm 2018.
Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh: “Người dân thể hiện đam mê, năng khiếu cũng như trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông”.
Trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh, tôi luôn theo dõi sát sao việc bảo tồn di sản dân ca ví, giặm. Thời gian qua, toàn tỉnh đã thành lập được 124 CLB dân ca ví, giặm và hoạt động có hiệu quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm thực sự của các cấp chính quyền cũng như người dân Hà Tĩnh. Từng có một thời gian dài gắn bó với các địa phương, với các nghệ nhân trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị của dân ca ví, giặm trong đời sống văn hóa nên tôi hiểu rất rõ về vai trò của các CLB dân ca ví, giặm. CLB dân ca ví, giặm là nơi để người dân thể hiện đam mê, ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.
Tuy nhiên, để duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của dân ca ví, giặm trong đời sống văn hóa, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa về chiều sâu. Cần nhiều hơn nữa các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng về dân ca ví, giặm. Không ngừng tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý văn hóa cấp cơ sở. Đặc biệt, thường xuyên đôn đốc, theo dõi và có chính sách hỗ trợ để các CLB đa dạng hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động…
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban - Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật Nghi Xuân: “Nơi phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ”.
Tôi cảm thấy rất vui với sự hồi sinh của các loại hình văn hóa dân gian, trong đó có dân ca ví, giặm ở các địa phương Hà Tĩnh hiện nay. Còn nhớ, cách đây 20 năm, khi tôi là Trưởng phòng Văn hóa huyện Nghi Xuân, dân ca ví, giặm gần như “trắng” trong đời sống văn nghệ quần chúng ở các địa phương. Nhưng gần đây, không những tại các làng xã ở Nghi Xuân, phong trào này phát triển mạnh mẽ mà còn lan tỏa đến các trường học. Qua đó, nhiều nhân tố mới, trẻ và tài năng xuất hiện, được khuyến khích, đào tạo để trở thành những hội viên, nghệ nhân tích cực.
Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các CLB mà những nghệ nhân như tôi có cơ hội trao truyền cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này. Tôi cũng mong rằng, thời gian tới, việc phát huy vai trò của các CLB dân ca ví, giặm được quan tâm nhiều hơn nữa, có chiến lược đầu tư dài hơi hơn để các CLB thực sự là sân chơi hấp dẫn, nuôi dưỡng niềm đam mê của các thế hệ.
NSND Hồng Lựu - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ: "Hà Tĩnh có nhiều hạt nhân tiềm năng về dân ca ví, giặm".
Là người có thâm niên gắn bó với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhất là quá trình khôi phục, xây dựng các CLB, tôi rất mừng trước thực tế phát triển các CLB của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Trong đó, tôi nhận thấy, nhiều CLB dân ca ví, giặm của Hà Tĩnh có nhiều hạt nhân triển vọng. Ít nhất mỗi CLB từng tham gia các hội thi, liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gần đây đều có từ 2 - 3 diễn viên, nghệ nhân hát rất tốt và đầy tiềm năng.
Mặt khác, đội ngũ nghệ nhân trẻ có năng khiếu và đam mê với dân ca ví, giặm khá đông. Đây là lực lượng nòng cốt cho việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân ca ví, giặm trong tương lai. Chính vì vậy, theo tôi, các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan ở Hà Tĩnh cần bồi dưỡng về chuyên môn và có những đãi ngộ hợp lý để đội ngũ này có điều kiện phát huy hơn nữa khả năng của mình.
Nhạc sĩ Mạnh Chiến - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh: "Các CLB dân ca ví, giặm cần phát triển đúng hướng".
Sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phong trào hát dân ca đã có sự phát triển mạnh mẽ. Việc thành lập nhiều CLB dân ca ví, giặm cho thấy, văn nghệ dân gian đã được chú trọng trong sinh hoạt văn hóa ở mọi miền quê Hà Tĩnh. Bản chất của dân ca ví, giặm là hình thức diễn xướng dân gian, gắn với thực tế đời sống sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, yếu tố hát, diễn và âm nhạc trong các chương trình biểu diễn dân ca ví, giặm rất quan trọng.
Hiện nay, do thiên về hình thức sân khấu hóa biểu diễn dân ca ví, giặm nên các chương trình này thường thu âm trước, lạm dụng nhạc điện tử… trong khi điểm quan trọng của dân ca ví, giặm thường thiên về hát mộc, biểu diễn sống, nhạc cụ thường gắn với nó là đàn bầu, đàn nhị, trống… Việc sân khấu hóa, phô trương hình thức khiến mất đi tính diễn xướng dân gian, đặc trưng của dân ca ví, giặm.
Vì vậy, bên cạnh phát triển về phong trào, chúng ta cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về các giá trị mang tính lịch sử, văn hóa của dân ca ví, giặm cho nghệ nhân và người làm công tác quản lý văn hóa. Qua đó, đưa dân ca ví, giặm trở về gần với không gian văn hóa diễn xướng nguyên bản. Bên cạnh đó, ngoài việc chú ý đến các giọng ca còn cần chú ý đến đào tạo các nghệ nhân nhạc công và nhất là chú trọng việc biểu diễn mộc, sống trong các chương trình.