Tác nhân chính gây ra các đợt nắng nóng cực đoan trên toàn cầu

Ngày 11/5, các chuyên gia nhận định tất cả những đợt nắng nóng hiện nay đều do ảnh hưởng từ tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Tác nhân chính gây ra các đợt nắng nóng cực đoan trên toàn cầu

Người dân giải nhiệt tại một vòi nước công cộng trong thời tiết nắng nóng tại Allahabad, Ấn Độ, ngày 28/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một báo cáo khoa học chi tiết mới được công bố, việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đã thải ra khí quyển một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đủ để dẫn đến việc gia tăng tần suất và cường độ của các trận lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới.

Nhà khoa học Friederike Otto của Viện Grantham thuộc Trường cao đẳng Hoàng gia London khẳng định biến đổi khí hậu là yếu tố chính gây nắng nóng cực đoan. Bà cho biết, những đợt nắng nóng đang hoành hành tại Nam Á trong 2 tháng vừa qua là những hiện tượng thời tiết cực đoan thảm khốc nhất.

Bà Otto và đồng tác giả Ben Clarke của Đại học Oxford nhận định các đợt nắng nóng trên thế giới đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn và có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Qua nhiều thập kỷ, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu tới thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, các nhà khoa học mới thực sự trả lời được những câu hỏi chẳng hạn như mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến một hiện tượng thời tiết nhất định.

Trước đây, các nhà khoa học chỉ có thể nói rằng một trận bão, lũ lụt và nắng nóng nghiêm trọng bất thường là phù hợp với những dự đoán về tác động của tình trạng toàn cầu ấm lên đến thời tiết. Trong khi đó, đôi lúc truyền thông lại bỏ nhân tố biến đổi khí hậu ra khỏi bức tranh chung, hoặc nhầm lẫn cho rằng thảm họa thời tiết hoàn toàn là do nhiệt độ tăng lên.

Giờ đây, với ngày càng nhiều số liệu và các công cụ hiệu quả hơn, nhà khoa học Otto và các chuyên gia tiên phong khác trong lĩnh vực này đã có thể tính toán cụ thể nguy cơ xuất hiện hoặc cường độ một cơn bão, hoặc một đợt nắng nóng nhất định do ảnh hưởng của tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Chuyên gia Otto và các đồng nghiệp tham gia sáng kiến nghiên cứu về khí hậu World Weather Attribution (WWA) đã kết luận rằng nắng nóng tại phía Tây của khu vực Bắc Mỹ vào tháng 6/2021, vốn khiến nhiệt độ tại Canada lên mức kỷ lục là 49,6 độ C, là gần như không thể xảy ra nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trong khi đó, các chuyên gia vẫn đang xem xét và phân tích các đợt nắng nóng tại Ấn Độ và Pakistan vào tháng trước. Mặc dù vậy, bức tranh toàn cảnh đáng quan ngại đang ngày càng trở nên rõ nét.

Tuy nhiên, tình trạng toàn cầu ấm lên không phải lúc nào cũng là nguyên nhân dẫn đến thời tiết cực đoan. Chuyên gia chỉ ra rằng hạn hán dẫn đến nạn đói tại miền Nam Madagascar suốt hai năm qua thực chất chỉ là do ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết.

Bên cạnh đó, thông qua các phương pháp được các chuyên gia thẩm định, việc tính toán cụ thể được ảnh hưởng của tình trạng toàn cầu ấm lên đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có tác động nhất định đến các chính sách trên thế giới.

Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến thời tiết cực đoan đã được sử dụng làm bằng chứng trong các vụ kiện mang tính bước ngoặt liên quan đến khí hậu tại Mỹ, Australia và châu Âu. Một trong số này phải kể đến vụ Saul Luciano Lliuya, một nông dân Peru, đã kiện tập đoàn năng lượng RWE AG (Đức) nhằm đòi chi phí bảo vệ thị trấn Huaraz khỏi nguy cơ lũ lụt khi hồ băng tan chảy dưới tác động của biến đổi khí hậu. Vụ kiện này dựa trên bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu do toàn cầu ấm lên là tác nhân trực tiếp khiến thị trấn 120.000 dân này đối mặt với nguy cơ bị lũ lụt nghiêm trọng.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.