Tại sao NATO tổ chức tập trận quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh?

Điều đáng chú ý, trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là ở Bắc Âu.

Tại sao NATO tổ chức tập trận quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh?

Mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra xem NATO có thể phản ứng như thế nào nếu một trong các thành viên của tổ chức này bị tấn công. Ảnh: NATO.int

Theo nhận định của chuyên gia phân tích Luke Coffey, thành viên cao cấp tại Viện Hudson (Mỹ) trên mạng tin tức Arab (Arab News) ngày 26/1, tuần qua đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với NATO. Sau nhiều tháng trì hoãn, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã bỏ phiếu để phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, vì vậy NATO sắp có thêm thành viên thứ 32.

Ngày hôm sau, cách thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 8.000 km, tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn USS Gunston Hall của Hải quân Mỹ đã rời cảng ở Norfolk, Virginia, hướng tới châu Âu. Mặc dù việc triển khai như vậy có vẻ là thường lệ đối với Hải quân Mỹ, nhưng việc triển khai tàu Gunston Hall đã khởi đầu cho “Steadfast Defender 2024”, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh.

Mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra xem NATO có thể phản ứng như thế nào nếu một trong các thành viên của tổ chức này bị tấn công. Cuộc tập trận sẽ bắt đầu vào tháng 2 và tiếp tục cho đến tháng 5 tới, với hơn 90.000 quân và hàng nghìn thiết bị quân sự tham gia. Mọi thành viên NATO cũng sẽ tham gia cuộc tập trận, nhưng hầu hết các hoạt động trong những tháng tới sẽ diễn ra ở phía Bắc và phía Đông châu Âu.

Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO ở châu Âu kể từ năm 1988, khi đó có hơn 125.000 binh sĩ liên minh quân sự này đã tổ chức huấn luyện trên khắp lục địa trong những ngày bất ổn cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận lớn nhất tiếp theo trong những năm gần đây là vào năm 2018, nhưng ngay cả cuộc tập trận đó cũng chỉ có khoảng 45.000 quân tham gia.

Trong quá khứ, trọng tâm của các cuộc tập trận của NATO hầu như chỉ tập trung vào Đông Âu. Năm 2018, trọng tâm chuyển sang Nam Âu và Địa Trung Hải. Do đó, điều đáng chú ý là trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là ở Bắc Âu. Trên thực tế, điểm đến đầu tiên của tàu Gunston Hall sau khi rời bờ biển phía Đông Mỹ là Na Uy, nơi sẽ đón các binh sĩ đến từ Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan để tham gia tập trận. Tất cả điều này đều có ý nghĩa đối với NATO khi Phần Lan hiện là thành viên NATO và Thụy Điển sắp gia nhập.

Hơn nữa, thời điểm của của cuộc tập trận này không phải là ngẫu nhiên. Năm nay sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO và được đánh dấu bằng hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn tại Washington D.C, Mỹ vào tháng 7 tới. Trước hội nghị thượng đỉnh này, một cuộc tập trận quân sự lớn như vậy của NATO sẽ truyền tải thông điệp về tính hữu ích và thích ứng của liên minh.

Năm nay cũng là thời điểm kỷ niệm 20 năm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia - hầu hết là các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước thuộc Hiệp ước Warsaw - gia nhập NATO. Đây là những thành viên liên minh cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất sau cuộc xung đột ở Ukraine và đó cũng là lý do tại sao cuộc tập trận năm nay của NATO vừa kịp thời vừa quan trọng.

Bên cạnh đó, 2024 cũng là năm bầu cử tổng thống ở Mỹ. Trong số những quan điểm chính trị ở Mỹ, do Donald Trump dẫn đầu, đã có những câu hỏi về giá trị của tư cách thành viên NATO của Mỹ. Vì vậy, một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn như vậy sẽ nhắc nhở các chính trị gia Mỹ về tầm quan trọng của NATO đối với lợi ích quốc gia của họ.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng là động lực chính để NATO tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn trong năm nay. Hàng nghìn binh sĩ NATO tham gia Steadfast Defender 2024 được cho là sẽ không “luyện tập để tấn công một quốc gia láng giềng mà họ sẽ diễn tập cách bảo vệ một quốc gia có thể là nạn nhân của cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm đảm bảo thực hiện hiệp ước an ninh tập thể của NATO”.

Tóm lại, với cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO sẽ củng cố liên minh này về lĩnh vực phòng thủ tập thể, trấn an các quốc gia thành viên dễ bị tổn thương về cam kết của NATO và cuối cùng đóng vai trò răn đe trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ bên ngoài.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.