Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở ở Hà Tĩnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức chưa đa dạng...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 4/12/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh

Các hoạt động đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và doanh nghiệp được khuyến khích trong tháng cao điểm hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/12.

Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên. Từng bước cụ thể hóa chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân, an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức chưa đa dạng; nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn ít, nhất là ở cơ sở; công tác phối hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân chưa cao.

Để triển khai, thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, các cấp chính quyền giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và mọi người dân. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm tiếp tục nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên và tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai theo đúng yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của tỉnh trong tình hình mới, khuyến khích và huy động các nguồn lực tham gia vào công tác này.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh

Các thành viên Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Tượng Sơn (Thạch Hà) trao đổi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo kịp thời, thực chất, hiệu quả. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, quản lý, phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ báo cáo viên cấp ủy, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ tốt để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật. Gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ các chính sách, văn bản pháp luật mới, các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.

Thường xuyên đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Phát triển hệ thống thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội; tổ chức các cuộc thi, hội thi dưới hình thức sân khấu hóa; phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật, sinh hoạt pháp luật của các câu lạc bộ... Triển khai hiệu quả, thiết thực ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) hằng năm.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hà Tĩnh

Việc đổi mới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp với xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp để hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp, đẩy mạnh hợp tác thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và tổng thể để đảm bảo kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện xã hội hóa, khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh phương pháp, đối tượng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị.

Chỉ thị này được quán triệt đến các chi bộ Đảng và phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.