Hình ảnh được ghi lại hồi đầu tháng 2/2020 và được chú thích rằng “đang trên đường vận chuyển đến đơn vị đặc biệt tại Mỹ”. Ngay sau khi bức ảnh được công bố, đã xuất hiện nhiều thông tin về đường đi của cỗ tăng này đến Mỹ.
Một số người cho rằng, có thể Mỹ đã mua lại chiếc tăng này từ Ấn Độ. Nhưng nhận định được cho là thiếu cơ sở bởi hiện tại, lực lượng tăng thiết giáp Ấn Độ không hề sở hữu phiên bản T-90A.
Hình ảnh được cho là chiếc T-90A tại Mỹ. |
Lúc này mọi nghi ngờ đều tập trung vào chiến trường Syria - nơi Mỹ và lực lượng hậu thuẫn hoạt động. Truyền thông Mỹ cho rằng, rất có thể chiếc tăng T-90A đã được quân đội nước này mua lại từ nhóm phiến quân al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda ở Syria) hồi cuối tháng 6/2016.
Đây là chiến lợi phẩm của nhóm phiến quân khác là Harakat Nour al-Din al-Zenki thu được trong trận đánh với quân đội chính phủ Syria trên chiến trường phía bắc tỉnh Aleppo hồi đầu tháng 6/2016. Sau đó nhóm này bán lại cho al-Nusra với giá nửa triệu USD.
Trong trận đánh này, phiến quân không những đã bẻ gẫy đợt tấn công của các lực lượng ủng hộ chính quyền Syria do lực lượng đặc nhiệm Tiger dẫn đầu, mà còn bắt sống được một chiếc xe tăng T-90A.
Việc mất chiếc T-90A là nguyên nhân quan trọng làm cuộc tấn công ngày 10/6/2016 thất bại vì đội hình tấn công của lực lượng Tiger không có gì che chắn và không có hỏa lực đập tan các ổ phòng ngự của phiến quân, buộc lực lượng chính phủ Syria phải rút quân.
Ngay sau khi để mất chiếc T-90A, lực lượng Tiger đã lên tiếng xác nhận và tiết lộ nguyên nhân của vụ việc. Khi đang chiến đấu thì chiếc xe tăng chết máy vì trục trặc ở hệ thống điện. Kíp lái đã cố gắng khởi động lại T-90A nhưng không thành công.
Do đó, kíp lái buộc phải rời bỏ chiếc xe tăng, trước khi rời đi, kíp lái đã định thả lựu đạn vào thùng dầu nhưng không thể thực hiện được, dẫn đến việc chiếc xe tăng rơi vào tay phiến quân. Hiện phía Mỹ vẫn chưa có bình luận nào về chiếc T-90A đang có.
Bên cạnh đó còn một giả thiết khác đó là chiếc xe tăng T-90A mà quân đội Mỹ đang nắm giữ trong tay thực chất là mô hình hoán cải từ T-72 để phục vụ mục đích huấn luyện (hiện Mỹ cũng đang sở hữu) hoặc đó là phiên bản T-90 đời 1992 thuộc thế hệ đầu tiên chứ không phải T-90A.
Chiến tăng T-90 đời 1992 vẫn mang đậm “chất T-72BU”, nó bị nhận xét là thua xa T-90A cả ở hệ thống động lực lẫn thiết bị điều khiển hỏa lực cũng như vũ khí mang theo.
Sẽ cần thêm thời gian để xác minh thông tin và hình ảnh này, nhưng không thể bỏ qua khả năng đó chỉ là một đòn gió được phía Mỹ đưa ra mà thôi.
Tìm hiểu kỹ tính năng của xe tăng T-90A sẽ giúp Mỹ đưa ra được các biện pháp đối phó hiệu quả với phương tiện tác chiến này nếu phát sinh đụng độ trên chiến trường ở Trung Đông. Bởi hiện nay phiên bản T-90A đang tập trung nhiều nhất tại Syria.