Tạo và nắm thời cơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã diệt và làm tan rã 150.000 tên địch, phá hủy khoảng 34% khối lượng vật tư chiến tranh của Mỹ - ngụy, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo một bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta giành thắng lợi. Đây là một trong những chiến thắng vang dội mang đậm dấu ấn về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ để giành thắng lợi quyết định.

Đánh giá đúng tình hình, xác định rõ mục tiêu tiến công chiến lược

Trong những năm 1966-1967, quân Mỹ - ngụy thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng quy mô lớn, với nhiều vũ khí trang bị hiện đại vào chiến trường miền Nam, thực hiện các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” nhưng bị quân và dân ta phản công, gây cho địch nhiều tổn thất cả về quân sự và chính trị, khiến chúng ngày càng lún sâu vào thế bị động, chuyển vào phòng ngự đối phó với phương thức tác chiến của ta. Về phía ta, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự. Quân và dân ta vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ thế chủ động trên chiến trường, lực lượng, thế trận được tăng cường lớn mạnh. Ta đã vận dụng sáng tạo các phương thức tác chiến, cách đánh mới đem lại hiệu quả, giữ vững và mở rộng thế chủ động, hình thành vòng vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh ở các đô thị. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta cũng giành nhiều thành tựu, đẩy Mỹ vào thế ngày càng cô lập trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.

tao va nam thoi co trong cuoc tong tien cong va noi day xuan mau than 1968

Một đơn vị vũ trang vùng ven Sài Gòn trước giờ vào Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Ảnh minh họa/petrotimes.vn.

Trên cơ sở nắm vững và phân tích, đánh giá đúng tình hình của ta và địch, tình hình trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị, nhận định: Chúng ta có cơ sở để tiến lên giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương chiến lược và quyết định mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhằm đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 Khóa III (1-1968) chỉ rõ: “Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất”. Như vậy, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, đặc biệt là tình hình địch, Bộ Chính trị quyết định lựa chọn phương thức tiến hành tổng tiến công với nổi dậy, phối hợp tác chiến ba thứ quân, lấy tiến công quân sự làm chủ yếu và làm trung tâm phối hợp. Trong bất cứ trận đánh, chiến dịch nào, các đòn tiến công quân sự cũng luôn gắn liền với nổi dậy của quần chúng cả ở vùng nông thôn và đô thị. Luôn giành thế chủ động và thế tiến công của ta trên quy mô chiến lược và chiến dịch, ở những hướng chiến trường chủ yếu bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị để tiêu diệt địch, đánh bại ý chí xâm lược của địch.

Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã lựa chọn, xác định hướng, mục tiêu tiến công chiến lược chủ yếu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, trọng điểm là các thành phố: Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế… Các mục tiêu tiến công chủ yếu là mục tiêu chiến dịch, chiến lược trọng yếu, các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy, nơi tập trung sinh lực cao cấp của cả Mỹ và ngụy. Đây là quyết định đúng đắn, táo bạo, đánh vào những mục tiêu trọng yếu của địch, nhưng hiểm yếu và có phần sơ hở, tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, buộc địch phải bị động về chiến lược, gây chấn động lớn trên toàn chiến trường miền Nam, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng và tạo “tiếng vang” lớn trên thế giới, tác động mạnh vào chính giới và nhân dân tiến bộ Mỹ.

Tạo thời cơ, nắm thời cơ chiến lược để giành thắng lợi quyết định

Tổng tiến công và nổi dậy là bước phát triển mới về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân. Tổ chức thực hiện đòn tiến công đồng loạt, bất ngờ, đánh sâu vào hậu phương của địch ở đồng bằng, đô thị bằng lực lượng chủ lực, tinh nhuệ và phối hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng là nét độc đáo của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, tạo ưu thế sức mạnh quân sự bằng lực lượng tổng hợp. Vận dụng cách đánh sáng tạo, tiến công quân sự tiêu diệt địch, nghi binh kìm giữ giam quân địch ở vùng rừng núi; tạo bất ngờ, nắm thời cơ đồng loạt thực hiện các trận tập kích, tiến công của bộ đội chủ lực, đặc công, biệt động kết hợp với nổi dậy của quần chúng đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy tại các đô thị. Với cách đánh hiểm và độc đáo, quân và dân ta đã “xé nát” đội hình phòng ngự chiến lược của địch, làm cho chúng “đông mà hóa ít, mạnh mà hóa yếu”, rơi vào trạng thái bị động chống đỡ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Như vậy, ta đã chủ động kéo và kìm giữ bộ phận chủ lực quan trọng của địch ra vùng rừng núi Tây Nguyên, Thượng Lào, Quảng Trị; đồng thời tiến hành đồng loạt tiến công các cơ quan đầu não của địch, đưa chiến tranh vào các đô thị, vào các trung tâm đầu não điều hành chiến tranh của địch; tạo ra những cơn địa chấn, có sức lan tỏa trên toàn chiến trường miền Nam đến nước Mỹ và toàn thế giới, buộc Mỹ phải chấp nhận sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Sau thất bại trong các cuộc hành quân chiến lược từ 1965 đến 1967, Mỹ-ngụy không đạt được mục đích, lại bị thiệt hại lớn về sinh lực cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khiến chúng rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược. Cuối năm 1967, ta đẩy mạnh hoạt động quân sự, nghi binh thu hút, vây hãm và giam chân lực lượng chủ lực địch trên các khu vực vùng rừng núi Tây Nguyên, Thượng Lào, Quảng Trị... nhằm chia cắt lực lượng, tạo ra những sơ hở, hiểm yếu tại các mục tiêu ở đồng bằng và đô thị. Trong khi đó, lực lượng quân sự của ta ngày càng lớn mạnh, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh, chiến dịch lớn và làm chủ nhiều vùng chiến lược. Lực lượng chính trị ở miền Nam đã lớn mạnh và tinh thần cách mạng lên cao, sẵn sàng nổi dậy phá tan xiềng xích, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là lúc thời cơ thuận lợi, hội tụ các điều kiện cả về thế và lực, cho phép ta tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền. Do đó quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào năm 1968 là rất phù hợp. Ta đã chớp thời cơ chiến lược để đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh.

Nghệ thuật tạo và nắm bắt thời cơ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 còn được thể hiện ở việc chọn thời điểm mở màn tiến công đúng vào dịp Tết, trong đêm Giao thừa, lúc địch chủ quan, bộc lộ nhiều sơ hở nhất. Thực tế cho thấy, ta tiến công địch ở Sài Gòn và các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam trong khi đó quân Mỹ phân tán ở ngoài thành phố, lực lượng quân cảnh trong nội thành thiếu tập trung, mất cảnh giác. Do đó, khi các đòn tiến công của ta đã khiến địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng không kịp đối phó, tạo ra sự áp đảo quân địch ngay từ đầu, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri.

Trung tướng PGS, TS PHAN ANH VIỆT

Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng

Nguồn: qdnd.vn

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.