Tập trung chiến dịch tuyên truyền

Những năm gần đây, đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy đã trở thành quy định bắt buộc và là thói quen đối với cộng đồng. Thế nhưng, một thực trạng hiện nay đó là đa phần người dân khi sử dụng MBH đều chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả và tính tiện dụng chứ rất ít người quan tâm đến chất lượng. Theo kết quả thống kê, khảo sát gần đây nhất, trên thị trường hiện nay, MBH không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chiếm đến 70% thị phần.

Tiến tới “khai tử” MBH kém chất lượng:

rất khó để phân biệt thật - giả các loại mũ bảo hiểm bày bán tràn lan ngoài thị trường
rất khó để phân biệt thật - giả các loại mũ bảo hiểm bày bán tràn lan ngoài thị trường

Dạo một vòng qua các cửa hàng trên địa bàn thành phố, chúng tôi thấy tình trạng bày bán và sử dụng MBH kém chất lượng, mũ “nhái” vẫn diễn ra khá phổ biến. Mặt hàng được bày bán tràn lan tại các cửa hiệu này chủ yếu là các loại MBH thời trang (thực chất là MBH giả, kém chất lượng) với giá rẻ “giật mình”: từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/chiếc. Chị H, chủ một cửa tiệm chuyên bán MBH trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: "Cửa hàng tôi kinh doanh chuyên về MBH nên loại nào cũng có, từ vài chục đến vài trăm. Bán chạy nhất vẫn là loại mũ thời trang có mẫu mã đẹp nhưng giá thành thấp, còn loại tốt thì thỉnh thoảng mới bán được nên tôi không dám nhập về nhiều. Mấy ngày gần đây, nghe đâu có thông tin là chuẩn bị xử phạt MBH kém chất lượng nên lượng khách mua giảm hẳn”. Chung cảnh ngộ với chị H, rất nhiều hộ kinh doanh mặt hàng này như đang ngồi trên đống lửa vì số hàng đã lấy về không trả lại được, giữ lại thì cũng rất ít người mua. Chị Nguyễn Thị Vân ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) đang lựa chọn mua cho mình một chiếc MBH tại quầy của chị H, bày tỏ: “Mùa hè đến rồi, tôi muốn mua một chiếc mũ hợp thời trang, mát mẻ, giá cả hợp lý để thay đổi. Thế nhưng, khi nghe thông tin sắp tới việc sử dụng MBH giả, kém chất lượng cũng sẽ bị xử phạt nên tôi phải chọn mua loại đảm bảo tiêu chuẩn".

Theo ông Trần Văn Minh - Chi cục Phó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh: Mặc dù các bộ, ngành liên quan đã thống nhất dừng ban hành Thông tư liên tịch số 06 “về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy”, để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật, song ngành đã lên kế hoạch rà soát, kiểm tra các hộ kinh doanh buôn bán các loại MBH giả, kém chất lượng để xử lý theo quy định hiện hành. Khó khăn nhất hiện vẫn là việc phân biệt mũ thật - mũ giả. Đối với các loại mũ tương tự MBH, mũ thời trang thì xử lý khá dễ dàng, nhưng còn các sản phẩm hàng nhái, hàng giả thì rất khó kiểm tra, phát hiện, bởi các sản phẩm này ngày càng được sản xuất bằng nhiều phương thức tinh vi.

Việc quy định bắt buộc người đi xe máy, xe đạp điện đội MBH “xịn” để giảm thiểu chấn thương khi xảy ra tai nạn giao thông là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, với hơn 70% mũ trên thị trường và người tham gia giao thông sử dụng hiện nay là mũ giả, mũ kém chất lượng, thì việc thực hiện quy định này đang là vấn đề không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của mọi cấp, mọi ngành. Để tiến tới “khai tử” MBH giả, kém chất lượng, vừa qua, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã phát động chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm (từ ngày 15/3 - 15/6) với chủ đề “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình”. Chiến dịch sẽ tập trung tuyên truyền các nội dung: những quy định xử phạt hành chính về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, mũ giả mũ bảo hiểm; cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; cách sử dụng mũ bảo hiểm theo quy định khi tham gia giao thông; cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ giả mạo mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Về quá trình tổ chức thực hiện, Uỷ ban ATGTQG chỉ đạo các cơ quan thành viên của Uỷ ban, các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chiến dịch đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức phát động, sơ kết chiến dịch đồng thời kiểm tra các địa phương triển khai chiến dịch; Văn phòng UB ATGTQG sẽ xây dựng thông điệp phát thanh, truyền hình, slogan và các hoạt động truyền thông trong toàn bộ chiến dịch…

Có thể nói, cùng với hoàn thiện các quy định, chế tài và quyết liệt triển khai truy quét, xử phạt nghiêm đối với hành vi sản xuất, lưu thông, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về vấn đề này là những giải pháp hết sức đúng đắn và mang tính bền vững. Các cấp, ngành cần vào cuộc triển khai chiến dịch một cách thiết thực, hiệu quả. Trước mắt, cần đẩy mạnh các kênh tuyên truyền hướng về cơ sở nhằm tránh tình trạng các chủ cửa hàng do “tiếc của” bán tống bán tháo về các vùng nông thôn; đồng thời tạo điều kiện cho người dân có thời gian để tìm hiểu quy định pháp luật cũng như cách phân biệt thật - giả, chỗ mua MBH bảo đảm chất lượng, đúng quy chuẩn và cách sử dụng.

Đọc thêm

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...