Tàu NASA vượt qua "7 phút kinh hoàng", đáp thành công xuống sao Hỏa

Tàu Insight trị giá 850 triệu USD đổ bộ thành công xuống bề mặt hành tinh đỏ khiến các nhân viên NASA vỡ òa vì vui mừng.

Tàu NASA vượt qua “7 phút kinh hoàng”, đáp thành công xuống sao Hỏa

Tàu InSight hạ cánh xuống sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Tín hiệu xác nhận InSight tiếp đất truyền về Trái Đất lúc 2h53 ngày 27/11 theo giờ Hà Nội.

Sớm nhất là 8h35 sáng nay, các thành viên trong nhóm mới xác định InSight có triển khai thành công tấm pin mặt trời hay không. Nếu thất bại trong việc mở các tấm pin, trạm đổ bộ sẽ không thể tồn tại, chưa tính tới thăm dò cấu tạo bên trong sao Hỏa, mục tiêu chính của phi vụ trị giá 850 triệu USD.

Việc trạm đổ bộ InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp đất an toàn trên bề mặt sao Hỏa, đánh dấu lần lần đầu tiên hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ từ khi robot thăm dò Curiosity tới đây hồi tháng 8/2012, theo Live Science .

Tin này khiến các thành viên trong nhóm và nhà chức trách NASA ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), nơi giám sát phi vụ InSight reo hò mừng rỡ và thở phào nhẹ nhõm.

Theo NASA, hơn 5 tiếng sau khi InSight tiếp đất, tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo Mars Odyssey của NASA mới ở đúng vị trí để truyền tín hiệu xác nhận về ban kiểm soát phi vụ. Nếu các tấm pin mở ra theo đúng kế hoạch, InSight sẽ góp mặt trong nhóm ít ỏi những tàu vũ trụ đáp xuống sao Hỏa. Có chưa đến 40% tổng số phi vụ sao Hỏa tới đích thành công trong những thập kỷ qua, dù quay quanh quỹ đạo hay hạ cánh xuống bề mặt hành tinh.

InSight khởi hành ngày 5/5 từ căn cứ không quân Vandenberg ở California. Đây là lần cất cánh đầu tiên của một phi vụ liên hành tinh từ bờ Tây nước Mỹ.

InSight bay trên lưng tên lửa Atlas V cùng với hai vệ tinh nhỏ cỡ chiếc valy tên MarCO-A và MarCO-B. Hai vệ tinh này đang trên đường bay tới sao Hỏa trong 6,5 tháng qua. Bộ đôi MarCO nằm trong phi vụ trị giá 18 triệu USD nhằm chứng minh tàu vũ trụ mini có thể khám phá vũ trụ sâu. MarCO-A và MarCO-B cũng đóng vai trò quan trọng, giúp truyền dữ liệu từ InSight tới ban kiểm soát phi vụ ở JPL.

Tàu InSight tiến vào bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa với vận tốc khoảng 19.800 km/h ở góc tiếp xúc chính xác 12 độ. Nếu bay thoải hơn, tàu sẽ bắn vào không gian sâu. Nếu bay dốc hơn, tàu sẽ bị cháy rụi.

Khi lao qua khí quyển, tấm chắn nhiệt của tàu phải chịu nhiệt độ khoảng 1.500 độ C, đủ nóng để làm chảy thép. Lực cản không khí khiến InSight bay chậm hơn nhiều, gấp khoảng 1,7 vận tốc âm thanh ở điểm triển khai dù hạ cánh. Không lâu sau, InSight khai hỏa các động cơ đẩy cỡ nhỏ để giảm tốc thêm, cuối cùng đáp xuống một đồng bằng bằng phẳng ở xích đạo tên Elysium Planitia với vận tốc khoảng 8 km/h.

Tất cả quá trình trên diễn ra chỉ trong 6,5 phút. Đó là tổng thời gian InSight bay qua khí quyển sao Hỏa, từ lúc gia nhập bầu khí quyển tới khi tiếp đất. Quá trình đổ bộ của tàu hơi ngắn hơn một chút so với "bảy phút kinh hoàng" của robot thăm dò Curiosity, sử dụng hệ thống sky crane vận hành bằng tên lửa, đưa robot tiếp đất nhờ dây cáp.

MarCO-A và MarCO-B không đáp xuống mặt đất theo tàu InSight. Chúng sẽ bay qua sao Hỏa, trở thành tàu vũ trụ mini du hành liên sao đầu tiên, theo quản lý phi vụ MarCo-A Cody. Bộ đôi tàu MarCO có thể quan sát tiểu hành tinh hoặc thiên thể khác nếu chúng bay tới đủ gần và có thêm ngân sách để kéo dài phi vụ.

Tàu NASA vượt qua “7 phút kinh hoàng”, đáp thành công xuống sao Hỏa

Bức ảnh đầu tiên do tàu InSight gửi về từ sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Trong hai năm tới, trạm đổ bộ InSight sẽ thăm dò chi tiết cấu trúc và thành phần bên trong sao Hỏa. InSight sẽ sử dụng hai thiết bị khoa học chính gồm búa khoan có thể khoan sâu 5 mét xuống dưới bề mặt sao Hỏa và bộ ba địa chấn kế với độ chính xác cực cao, giúp theo dõi động đất, va chạm với thiên thạch và những rung chấn khác. "Cỗ máy có thể đo rung động với cường độ nhỏ cỡ một nguyên tử, thậm chí chỉ bằng một phần nguyên tử", Bruce Banerdt, nhà nghiên cứu độc lập trong phi vụ InSight ở JPL, cho biết.

Bộ địa chấn kế được đặt trong buồng chân không để giảm thiểu nhiễu loạn có thể ảnh hưởng tới dữ liệu. Cuối năm 2015, nhóm phi vụ phát hiện lỗ rò ở buồng chứa nhưng không kịp khắc phục để tàu InSight phóng vào tháng 3/2016 như dự kiến. Thời gian phóng cho các phi vụ sao Hỏa được quay vòng sau 26 tháng, do đó trạm đổ bộ phải chờ tới tháng 5 vừa qua mới có thể rời khỏi Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi vị trí của InSight trong vũ trụ, sử dụng thiết bị liên lạc nặng 358 kg. Thông tin này sẽ cho phép họ đo độ nghiêng của trục sao Hỏa khi hành tinh quay, từ đó hiểu rõ hơn về lõi của nó. "Mục tiêu của phi vụ InSight là lập bản đồ cấu tạo bên trong sao Hỏa theo không gian ba chiều", Banerdt nói.

InSight sẽ sử dụng cánh tay robot để triển khai búa khoan, bộ địa chấn kế và tấm chắn ngoài trời trên mặt đất trong 2 - 3 tháng tới. Trạm đổ bộ cũng mất một tháng để hiệu chỉnh thiết bị. Do đó, ít nhất phải 6 tháng nữa, nhóm InSight mới thu được dữ liệu họ cần. Chắc chắn trong phi vụ kéo dài hai năm, InSight sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cấu tạo bên trong sao Hỏa.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.