Tây Bắc mùa lúa chín rực rỡ sắc vàng trong ảnh "Dấu ấn Việt Nam"

Những thửa ruộng bậc thang rộng mênh mông, nhuộm màu vàng ươm trong mùa lúa chín mang vẻ đẹp say đắm lòng người, khiến ai cũng ao ước một lần được tận mắt ngắm nhìn.

Mùa lúa chín ở Tây Bắc diễn ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Bạn sẽ phải trầm trồ khi bước chân vào thung lũng hùng vỹ ở Mù Cang Chải (Yên Bái) với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm trải dài trên những sườn núi cheo leo. Đứng nơi đây, hít thở hương lúa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp say đắm lòng người của quê hương đất nước. Ảnh: Nguyễn Quang Huy.
Vào khoảng trung tuần tháng 9, sắc vàng bắt đầu bao phủ khắp núi rừng Tây Bắc. Thời điểm này thời tiết đã ôn hòa hơn, tạo điều kiện lý tưởng để các phượt thủ chinh phục những cung đường núi hiểm trở, chạm đến khung cảnh đẹp đẽ, hoang sơ của đất trời. Ảnh: Đặng Hồng Long.
Tại xã Lao Chải (Yên Bái), những áng mây bồng bềnh trôi trên ruộng bậc thang như điểm tô vào bức tranh ngày mùa. Mỗi năm vùng Tây Bắc chỉ trồng một vụ lúa, nhưng gieo vào thời điểm khác nhau giữa các địa phương nên lúa chín không đều. Mùa lúa chín là một đề tài rất phổ biến trong số các bộ ảnh độc giả gửi đến cuộc thi "Dấu ấn Việt Nam". Ảnh: Lê Thanh Từ.
Bản Phùng thuộc huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang trong một buổi sớm mai. Bình minh thức giấc giữa những lớp lúa vàng đang độ thu hoạch, mây như ôm ấp cả bản làng. Vừa mang vẻ đẹp không thể phủ nhận, vừa đóng vai trò quan trọng với kinh tế và đời sống đồng bào dân tộc nơi đây, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, cần được giữ gìn và bảo vệ. Ảnh: Ngọc Vũ.
Khoảnh khắc sau cơn mưa chiều trên thung lũng Tú Lệ (Yên Bái). Những tia nắng cuối ngày hiện ra với sương giăng mắc ôm lấy núi đồi, kỳ ảo như chốn thiên đường. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Khoảnh khắc hoàng hôn chuẩn bị buông xuống những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc vùng cao trên thế giới. Để trồng được lúa nước, người dân phải khai hoang, cải tạo đất đai thành những vạt đất bằng trên các sườn núi và đồi, nguồn nước dẫn từ những đỉnh núi cao hơn về. Ảnh: Văn Chính Ngô.
Vẻ đẹp trong cuộc sống lao động của người dân vùng cao Tây Bắc luôn gây ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ ai từng ghé thăm. Dù làm việc vất vả, một nắng hai sương, phải hứng chịu nhiều thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn luôn vui vẻ và sống hòa hợp với thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Xuân Đàm.
Niềm vui khi thu hoạch của một cô gái Mù Cang Chải trong những ngày mùa. Ảnh: Nguyễn Xuân Đàm.
Giấc ngủ trưa yên bình của một em bé ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) khi bố mẹ đang gặt lúa. Giữa cánh đồng ngày mùa, mẹ cắt những bông lúa xung quanh trải thành một lớp đệm êm, lót tấm nylon cùng chiếc ô che nắng để em có chỗ nằm thật thoải mái. Ảnh: Phạm Trung.
Ngoài thời điểm mùa lúa chín, dân mê du lịch bụi còn kéo nhau "xách ba lô" đến Tây Bắc vào khoảng tháng 5 và tháng 6, khi những thửa ruộng vào mùa nước đổ. Bức ảnh chụp tại xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khi những "nấc thang lên thiên đường" tạo nên bức họa tuyệt đẹp với những ô màu rực rỡ giữa núi non trùng điệp. Có lẽ không một hoạ sĩ nào có thể pha màu sống động, tự nhiên và đầy sức sống như những người nông dân Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Sau khi những mầm non vươn mình khỏi mặt nước, người dân lại sẵn sàng cho một vụ cấy mới. Thung lũng Lìm Mông (Mù Cang Chải, Yên Bái) đẹp tựa bức tranh nhờ những thửa lúa màu xanh vàng như làn sóng, mây trời xanh biếc phản chiếu trên mặt nước. Con người bỗng trở nên nhỏ bé giữa thiên nhiên. Cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 28/8, kết quả sẽ được công bố từ 2/9 đến 5/9. Mời bạn gửi ảnh tham gia tại đây. Ảnh: Thong Dong.
Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói