Tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển khi phóng vệ tinh

Triều Tiên xác nhận tên lửa mang theo vệ tinh trinh sát quân sự đã rơi xuống biển do sự cố trong vụ phóng sáng nay.

“Tên lửa đẩy Cheollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát quân sự đã đâm xuống vùng biển phía tây do mất động lực vì sự cố khởi động bất thường của động cơ tầng đẩy thứ hai”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31/5 cho biết.

Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho hay Triều Tiên đã phóng “cái họ gọi là phương tiện phóng không gian” theo hướng nam từ khu vực Tongchang-ri ở bờ biển phía tây lúc 6h29 (4h29 giờ Hà Nội).

Theo JSC, tên lửa Triều Tiên bay ngoài khơi đảo Baengnyeong, phía tây Hàn Quốc, và không ảnh hưởng đến Seoul. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc thông báo họp khẩn về sự việc.

Tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển khi phóng vệ tinh

Tên lửa đẩy mang vệ tinh Triều Tiên rời bệ phóng hồi năm 2016. Ảnh: KCNA

Quân đội Hàn Quốc cũng nhận thấy tên lửa biến mất trên radar trước khi đến điểm rơi dự kiến và dự báo nó phát nổ trên không hoặc rơi xuống biển.

Còi báo động không kích đã vang lên tại thủ đô Seoul vào khoảng 6h32, giới chức thành phố phát cảnh báo đề nghị người dân sẵn sàng cho tình huống sơ tán. Bộ Nội vụ Hàn Quốc sau đó cho biết cảnh báo từ chính quyền đô thị Seoul “đã được phát không chính xác”. Trong khi đó, cảnh báo sơ tán với khu vực biên giới phía tây Hàn Quốc đã được dỡ bỏ lúc 8h01.

Chính phủ Nhật Bản cũng phát cảnh báo thông qua hệ thống J-Alert với người dân tỉnh miền nam Okinawa, cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa kêu gọi tìm nơi trú ẩn nếu họ đang ở bên ngoài. J-Alert sau đó cho biết tên lửa sẽ không bay qua lãnh thổ Nhật Bản và dỡ cảnh báo.

Nhật Bản trước đó cho biết Bình Nhưỡng đã thông báo cho Tokyo về kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy từ ngày 31/5 đến 11/6, cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực thuộc Hoàng Hải, biển Hoa Đông và phía đông đảo Luzon của Philippines. Nước này tuyên bố sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào Triều Tiên phóng lên, nếu nó được xác nhận sẽ rơi xuống lãnh thổ.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho rằng các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là “vỏ bọc” để thử nghiệm tên lửa, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hồi năm 2012 và 2016, tất cả đều bay qua tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.

Tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển khi phóng vệ tinh

Bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận. Đồ họa: CSIS

Theo Như Tâm (VNE)

Đọc thêm

4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025

Năm 2025 liệu có là một năm biến động của nền kinh tế toàn cầu. Dù được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một số rủi ro.
8 sự kiện thế giới năm 2024

8 sự kiện thế giới năm 2024

Năm nay chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng cùng nhiều xung đột và biến động, nhưng cũng ghi dấu ấn với một số thành tựu khoa học, công nghệ.
Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Số người vô gia cư ở Mỹ tăng 18% trong năm 2024, mức cao chưa từng thấy, khi giá thuê nhà tăng, lạm phát cao và dòng người nhập cư đổ vào nước này.
Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chiều 27/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã chính thức đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Hàn Quốc sau khi Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số đơn phương thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo. Ông Han tuyên bố chấp hành nghị quyết của Quốc hội và chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp.