Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng dự làm việc.
Qua 7 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện Thạch Hà đã có 14/30 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Năm 2018, Thạch Hà phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM, Thạch Hà đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục các chủ trương, chính sách đến tận người dân và cán bộ, đảng viên; phân công nhiệm vụ rõ ràng; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa BTV Huyện ủy, đảng ủy xã với nhân dân để giải quyết dứt điểm những tồn đọng; kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các xã điểm đăng ký đạt chuẩn...
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà: Hàng năm, huyện kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các xã điểm, xã kiểu mẫu đăng ký đạt chuẩn..., tạo động lực để các địa phương hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thạch Hà đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và nhân dân.
Đến nay, huyện đã thực hiện nhất thể hóa chức danh trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; khoán kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thị trấn...
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân: Thực hiện đề án góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Sau khi thực hiện đề án, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị sáp nhập, hợp nhất, giải thể, cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng phù hợp và tinh gọn hơn, giảm được 252 tổ chức, đơn vị; giảm 345 biên chế. Đặc biệt, sau sáp nhập, tinh giản biên chế, đã giảm chi phí chi thường xuyên cho địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Thạch Hà đã làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng NTM, đặc biệt là đối thoại, giải đáp những vướng mắc từ cơ sở.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Thạch Hà có những khó khăn “khác biệt” đó là có 6 xã nằm trong vùng ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nhưng đã huy động tổng lực để xây dựng NTM.
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Thạch Hà, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Một bộ phận cán bộ còn băn khoăn, lo lắng, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để thống nhất tổ chức thực hiện. Việc bố trí cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị còn gặp nhiều khó khăn.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch: Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy… của Thạch Hà được làm khá bài bản, có lộ trình, giải pháp cụ thể.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận Thạch Hà đã có đổi mới trong phương thức lãnh đạo; biết kế thừa sáng tạo, khơi dậy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; biết cách giao việc, chọn việc cần giao; tháo gỡ khó khăn cho cơ sở bằng hình thức đối thoại; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, đây chỉ là kết quả bước đầu, Thạch Hà cần tiếp tục tập trung nguồn lực cho cơ sở, đặc biệt là 6 xã vùng bị ảnh hưởng mỏ sắt Thạch Khê để có giải pháp phát triển bền vững.
Đối với các đề án, tiểu đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, trong triển khai cần thận trọng, vững chắc, tiếp thu, lắng nghe ý kiến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác đến tham quan thực tế tại xã Bắc Sơn...
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã đến tham quan một số mô hình kinh tế và nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Bắc Sơn. Bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong xây dựng mô hình, Bắc Sơn cần chú trọng tổ chức sản xuất tốt hơn, sản xuất theo hướng hàng hóa, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Về việc sáp nhập thôn, kiện toàn bộ máy cán bộ cấp xã, thôn xóm, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý không cứng nhắc, phải phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, phải tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân; huy động được tối đa các nguồn lực xây dựng NTM cũng như các nhiệm vụ chính trị khác.
và nói chuyện, động viên nhân dân thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn (Thạch Hà) xây dựng NTM