Tháng ATGT … tai nạn vẫn tăng

Theo tinh thần Kế hoạch số 238/UBATGTQG của Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, tháng an toàn giao thông (ATGT) năm nay (từ 1/9 – 30/9) tập trung vào chủ đề trọng tâm là “Tháng văn hoá giao thông”. Mặc dù, Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành triển khai nhiều biện pháp, hoạt động thiết thực thực hiện tháng ATGT nhưng xem ra tình hình tai nạn giao thông (TNGT) xẩy ra trên địa bàn không những không giảm mà còn tăng cả về số lượng người chết và người bị thương; các lỗi vi phạm vẫn ở mức cao...

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 4-10 tại Kỳ Anh. Ảnh Vũ Viễn
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 4-10 tại Kỳ Anh. Ảnh Vũ Viễn

Ngay từ cuối tháng 7, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ quan thành viên và ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Tháng ATGT. Theo đó, các ngành và 12 huyện thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiện một cách cụ thể sát với tình hình từng địa phương đơn vị. Ngày 31/8 hầu hết các địa phương đơn vị đã huy động đông đảo các lực lượng: Công an, Quân đội, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đồng loạt ra quân mít tinh, diễu hành tạo khí thế hết sức sôi nổi.

Riêng địa bàn Thành phố Hà Tĩnh Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn và Ban ATGT Thành phố tổ chức mít tinh, diễu hành với hàng ngàn người tham gia. Thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao một bước về ý thức của người tham gia giao thông. Mặt khác để tháng ATGT thực sự mang lại hiệu quả, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT và các quyết định thành lập Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ; thành lập Ban công tác lập lai trật tự hành lang ATGT.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã phối hợp, tổ chức thực hiện khá rầm rộ, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực. Ban ATGT các cấp đã in ấn 7.000 cuốn Luật gia thông đường bộ, 2.000 tờ tranh áp phích, 4.000 tờ rơi phục vụ cho công tác tuyên truyền. Các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 15 cuộc tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT với 3.000 người tham gia. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức tuyên truyền Luật GTĐB cho hơn 100.000 giáo viên, học sinh. Đài phát thanh tuyền hình, Báo Hà Tĩnh ngoài các chuyên mục định kỳ đã tăng thêm thời lượng tập trung tuyên truyền các nội dung về chủ đề “Văn háo giao thông”. Liên đoàn Lao đông tỉnh đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Ngị quyết liên tịch giữa Tổng LĐLĐ Việt nam và Uỷ ban ATGT Quốc gia về ký kết chương trình phối hợp thực hiện Nghị quyết 08 về việc tuyên truyền vận đông CBCNVC LĐ tham gia bảo đảm trât tự ATGT. Hội Cựu chiến binh tỉnh chủ trì phát động các hội viên tham gia giữ gìn trât tự ATGT, lấy địa hình Kỳ Anh tổ chức điểm với hơn 700 người tham gia. Các lực lương chức ngăng: CSGT, Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, qua đó lập biên bản 7.500 trường hợp vi phạm; tước GPLX 57 trường hợp, tạm giữ 256 xe mô tô, 10 xe ô tô; xử lý vi phạm 127 phương tiện đường thuỷ; tháo dỡ 25 ki ốt, 156 mái che, 300 tấm bảng, biển quảng cáo tái vi phạm…

Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn non kém. Ảnh: Thanh Hoài
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn non kém. Ảnh: Thanh Hoài

Tuy nhiên, mâu thuẫn với sự nỗ lực của toàn xã hội đó là tình hình TNGT vẫn không có dấu hiệu được kiềm chế. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong tháng 9 toàn tỉnh xẩy ra 14 vụ TNGT, làm chết 17 người, bị thương 13 người. Mặc dù, theo thống kê số vụ tai nạn có giảm 1 vụ so với tháng liền kề trước đó, nhưng số người chết và người bị thương lại tăng. Chưa kể, chỉ sau khi kết thúc tháng ATGT ít ngày (4/10), tại địa bàn huyện Kỳ Anh đã xẩy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa 2 xe vận tải hành khách làm 7 người chết, 13 người bị thương.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này vẫn là những điều muôn thủa, đó là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn non kém; một số đối tượng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vẫn cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia xem thường trật tự, kỷ cương phép nước.

Thêm một nguyên nhân không thể không đề cập đến, đó là những yếu kém trong quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, nhất là vận tải hành khách. Các đơn vị tư nhân, HTX trên địa bàn tỉnh ta quy mô nhỏ, đầu tư thấp, điều hành theo kiểu khoán trắng cho lái xe. Từ đó, dẫn đến lái phụ xe chịu áp lực khoán chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp tính mạng người tham gia giao thông, vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai phần đường, tranh dành khách diễn ra phổ biến là nguyên nhân xẩy ra các vụ TNGT và tiềm ẩn những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đối với loại hình vận tải hành khách đường gần (tac xi) cũng xuất phát từ việc quản lý điều hành theo hình thức khoán trắng cho lái xe dẫn đến tình trạng “đua điểm”, tranh khách làm cho người dân trên địa bàn, nhất là Thành phố Hà Tĩnh vào những ngày mưa ngập đường nhiều phen khiếp đảm.

Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại một cách tổng thể, có biện pháp khắc phục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực; tìm cách phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Có như vậy mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu TNGT trong thời gian tới mới mong có hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast