Sáng 2/5 (tức ngày 24/4 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Thánh Mẫu ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) diễn ra lễ giỗ lần thứ 599 của Hoàng hậu Ngọc Trần.
Tại lễ giỗ, chính quyền và Nhân dân địa phương đã ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Hoàng hậu Ngọc Trần nhằm bày tỏ sự tôn kính và biết ơn công lao của bà đối với dân, với nước.
Hoàng hậu Ngọc Trần tên thật là Phạm Thị Ngọc Trần, sinh năm 1386, tại huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân), tỉnh Thanh Hóa, từ trần ngày 24/3/1425.
Bà là một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn, tận tụy, cùng Bình Định Vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh thống nhất giang sơn đất nước.
Theo sử sách, những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bà đã cùng Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng sỹ xông pha trận mạc. Ngày 24/3/1425, khi đánh thành Trào Khẩu - Nghệ An, Hoàng hậu Ngọc Trần đã tự hiến mình cho thủy thần trên dòng sông Lam để thần phù hộ cho nghĩa quân thắng giặc.
Thi thể của bà đã được quản tại Núi Na, làng Lộc Điền, tổng Tam Đăng (nay là thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân).
Năm 1428, sau khi lên ngôi Hoàng đế, để đền đáp công ơn của bà, Vua Lê Thái Tổ đã lập con trai của bà là Lê Nguyên Long lên kế vị, lấy hiệu là Lê Thái Tông.
Tháng 6 năm Giáp Dần 1434, Vua Lê Thái Tông truy tôn mẹ làm Cung từ Quốc Thái Mẫu, thờ ở Thái miếu. Tháng 2 năm Đinh Tỵ 1437, bà được truy tôn làm Cung từ Quang phục Quốc Thái Mẫu. Tháng 12 cùng năm, bà được truy tôn làm Hoàng Thái Hậu.
Các vị bô lão đại diện cho dân làng tế lễ trời đất, bày tỏ lòng biết ơn trước công lao của Hoàng hậu Ngọc Trần với dân, với nước
Trải qua hàng trăm năm, đền thờ đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Năm 2005, phần mộ và đền thờ Hoàng hậu Ngọc Trần được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hằng năm, vào dịp 24/3 (âm lịch), chính quyền và Nhân dân địa phương trang trọng tổ chức lễ giỗ Hoàng hậu Ngọc Trần theo nghi thức cổ truyền của dân tộc.
Trước khi diễn ra lễ giỗ, chính quyền địa phương và Nhân dân tổ chức phần hội với các hoạt động: giải bóng chuyền nữ toàn huyện; thi gói bánh chưng truyền thống lần thứ nhất; lễ khai quang điểm nhãn và lễ rước Thánh Mẫu.
Lễ hội đền Thánh Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần là dịp để tri ân, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công trong việc chống giặc ngoại xâm; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hướng về cội nguồn, tri ân đức Thánh Mẫu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cấp tỉnh.