Lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương động viên, dặn dò anh Hương chuẩn bị kỹ trước khi lên đường nhập ngũ.
Thanh niên Hồ Thanh Hương (SN 1997) là một trong hai người dân tộc Chứt tự nguyện làm đơn tham gia nghĩa vụ quân sự đợt này. Anh Hương là lao động chính, đang sống cùng cha mẹ già, dù vậy, anh vẫn quyết định viết đơn xin được tham gia nhập ngũ.
Anh Hồ Thanh Hương là một trong những thanh niên tiến bộ nhất ở bản Rào Tre, đủ các điều kiện để nhập ngũ.
Anh Hương chia sẻ, “thần tượng các chiến sỹ bộ đội biên phòng cắm bản, tôi mong muốn được vào quân đội để rèn luyện, học tập và trở thành những người có ích hơn. Theo như các chú, các anh nói, vào bộ đội tôi sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Bởi vậy, khi có lệnh nhập ngũ, tôi cảm thấy tự hào và phấn khởi lắm”.
Hồ Thanh Hương (phải) và Hồ Đình Long là 2 thanh niên dân tộc Chứt được nhập ngũ trong năm 2022.
Cùng với anh Hương, năm nay bản Rào Tre còn có anh Hồ Đình Long (SN 2000) được gọi nhập ngũ. Anh Long đã lập gia đình riêng có con trai 1 tuổi.
Anh Long chia sẻ: “Tôi muốn nhập ngũ để học tập, mặc dù con cái vẫn còn nhỏ, nhưng tôi vẫn yên tâm bởi người Chứt luôn được các cấp Đảng, chính quyền và đặc biệt là các chú bộ đội biên phòng quan tâm, không lo đói khát. Chúng tôi mang trong mình họ Hồ, bởi vậy, ai cũng muốn trở thành người lính cụ Hồ”.
Hương Khê luôn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội để các công dân người dân tộc yên tâm trước khi lên đường nhập ngũ.
Vợ anh Long là chị Hồ Thị Khuyên hồ hởi nói: Mặc dù sợ nhớ chồng, nhưng nghe chính quyền tuyên tuyền về việc công dân trong độ tuổi quy định phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nên tôi hoàn toàn ủng hộ chồng nhập ngũ. Bên cạnh đó, tôi cũng tự hào khi chồng mình là bộ đội. Thời gian tới sẽ có những khó khăn nhưng vợ chồng tôi đều tin tưởng sẽ sớm vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng - Hương Khê) cho hay, bản Rào Tre có 12 thanh niên, tuy nhiên xét các điều kiện thì hầu hết không đạt. Việc 2 thanh niên Hồ Đình Long và Hồ Thanh Hương nhập ngũ có thể nói là bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số nơi đây, đồng thời cho thấy sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Anh Hồ Đình Long: "Người Chứt mang trong mình họ Hồ, bởi vậy, ai cũng muốn trở thành người lính cụ Hồ".
Để làm tốt công tác động viên thanh niên dân tộc Chứt nhập ngũ, lực lượng biên phòng cũng đã đến từng nhà thăm hỏi đồng thời tuyên truyền để bà con hiểu về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành.
Trung tá Thái Bá Anh – Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Khê cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành của chính quyền và người dân địa phương, đến nay, thanh niên các dân tộc huyện Hương Khê đã sẵn sàng lên đường tòng quân, bảo vệ Tổ quốc. Riêng đối với thanh niên dân tộc thiểu số, địa phương luôn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc để các công dân yên tâm trước khi lên đường nhập ngũ. Đồng thời, có những chương trình, hoạt động hỗ trợ gia đình có con em lên đường nhập ngũ, tạo tâm lý yên tâm cho các tân binh hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.
Đợt tuyển quân năm nay, toàn huyện Hương Khê có 417 người tham gia khám nghĩa vụ quân sự, trong đó có 226 người trúng tuyển. Về khám tuyển nghĩa vụ công an nhân dân, tổng số thanh niên gọi khám là 62 người, trong đó có 42 người trúng tuyển. Đến nay, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Hương Khê đã phát lệnh gọi 126 công dân nhập ngũ, trong đó chính thức là 105 công dân và dự phòng là 21 công dân. Đối với nghĩa vụ công an, huyện phát lệnh gọi 26 công dân, trong đó chính thức là 24 công dân và dự phòng là 2 công dân. Thời gian tổ chức giao quân dự kiến tổ chức vào ngày 17/2/2022 tại sân vận động Trường THPT Hương Khê (thị trấn Hương Khê). |