Thấy gì từ thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua bưu chính công ích?

(Baohatinh.vn) - Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích đã hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính.

Lợi ích nhiều bề

Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công (HCC) thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) trên địa bàn Hà Tĩnh được UBND tỉnh ban hành vào tháng 7/2019, chính thức thực hiện thí điểm từ tháng 11/2019.

Giai đoạn 1, đề án thí điểm ở 7 đơn vị cấp tỉnh, gồm các sở: TT&TT, KC&CN, GD&ĐT, VH-TT&DL, Nội vụ, Ngoại vụ; Công ty Điện lực Hà Tĩnh. Đối với cấp huyện, thí điểm ở UBND thị xã Hồng Lĩnh và các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh.

4Ab.jpg
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho các đơn vị thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ở giai đoạn này, đối với cấp tỉnh, các công chức của các đơn vị đã được UBND tỉnh đồng ý cho thôi làm nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thay bằng các nhân viên bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả; đối với cấp huyện, mỗi đơn vị có 2 nhân viên bưu điện đảm nhận công việc, các công chức của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được cử ra trung tâm hành chính công huyện đều được rút về làm việc chuyên môn.

Giai đoạn 2, được thực hiện từ năm 2021, ở cấp tỉnh gồm 3 sở: LĐ-TB&XH, Tài chính, Công thương; ở cấp huyện gồm: UBND thị xã Kỳ Anh và các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn, Thạch Hà. Đối với cấp tỉnh, công chức tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị tham gia thí điểm giai đoạn 2 đã trực tiếp hướng dẫn cho 1 nhân viên bưu điện thực hiện thay nhiệm vụ. Với cấp huyện, mỗi đơn vị có 2 nhân viên bưu điện đảm nhận công việc, các công chức của các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được cử ra trung tâm hành chính công cấp huyện được rút về làm việc chuyên môn.

Sau một thời gian triển khai, đề án thí điểm đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ngành, địa phương. Ông Hoàng Tùng Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hà tĩnh đánh giá: “Việc chuyển giao cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện trực thay công chức, viên chức của các sở, ngành đã giải quyết được vấn đề lãng phí thời gian của công chức trực tại trung tâm của các đơn vị có số hồ sơ phát sinh ít (dưới 1.000 hồ sơ/năm). Đồng thời, tiết kiệm được một số trang thiết bị như: máy tính, máy in, máy scan... khi rút công chức về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan trực thuộc, qua đó, giảm được chi phí đầu tư thiết bị”.

buu chinh cong ich 1A.jpg
Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Xuyên được cơ quan bưu điện đầu tư đồng bộ, khang trang.

Theo ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (một trong những địa phương được chọn để thực hiện thí điểm đầu tiên), đề án đã xây dựng được trụ sở hành chính công rộng rãi, khang trang, đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho cá nhân tổ chức khi đến giao dịch. Đặc biệt, huyện đã rút được 2 biên chế làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện để tập trung cho công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tốt hơn”.

Đánh giá tổng thể về những kết quả đạt được, Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm - Trưởng BCĐ thực hiện đề án, khẳng định: “Thực tiễn cho thấy, nhân viên bưu điện cơ bản đáp ứng hầu hết nhiệm vụ, công việc được giao, đảm bảo chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu vị trí công việc, làm việc khoa học, có ý thức; nắm chắc một số thủ tục hành chính phát sinh thường xuyên của các sở, ngành, thành thạo trong các bước kiểm tra thành phần hồ sơ, thủ tục tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đề án cũng giải quyết được vấn đề lãng phí nhân lực trực tại các trung tâm hành chính công; tạo thuận tiện trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ bưu chính công ích đối với việc nhận kết quả tại nhà”.

Những vướng mắc cần giải quyết

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua triển khai tại các địa phương, đơn vị, đề án thí điểm cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được nhìn nhận và tháo gỡ kịp thời.

buu chinh cong ich 2B.jpg
Quá trình triển khai, đề án thí điểm còn cho thấy những vướng mắc cần giải quyết.

Theo ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, do các nhân viên bưu điện chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ theo từng ngành, lĩnh vực nên công tác hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ có khi còn lúng túng. Đối với hồ sơ phức tạp gần như phải nhờ sự hướng dẫn của công chức các đơn vị chuyên môn. Bưu điện tỉnh chưa bố trí nhân sự dự phòng nên với các trường hợp thay đổi nhân sự thì nhân viên mới gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các thủ tục hành chính có nhiều thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính có sự điều chỉnh, sửa đổi...

Đồng tình với ý kiến trên, bà Trần Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Hành chính công TX Kỳ Anh cho biết thêm: "Số lượng nhân viên của bưu điện thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2 phải đảm bảo yêu cầu 1 nhân viên đảm đương được từ 1-3 lĩnh vực thí điểm. Yêu cầu có số dư để sẵn sàng thay thế nhân viên chính thức khi ốm đau, thai sản… Tuy nhiên, hiện nay, bưu điện chỉ mới cử 2 nhân viên cho 9 lĩnh vực chuyên môn. Việc bố trí cán bộ bưu điện để tiếp nhận một số lĩnh vực như: cấp phép xây dựng, hồ sơ đất đai gặp rất nhiều khó khăn... do chưa có kinh nghiệm sâu trong chuyên môn các lĩnh vực này, dẫn đến việc phải trả lại hồ yêu cầu người dân bổ sung”.

Được biết, từ khi thực hiện thí điểm đến nay, tại TX Kỳ Anh đã phải thay 7 nhân viên bưu điện. Việc thường xuyên biến động về nhân lực đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp nhận thủ tục hành chính. Qua thống kê của thị xã, trong hơn 3.000 hồ sơ do nhân viên bưu điện tiếp nhận, có 800 hồ sơ phải trả lại bổ sung do thiếu thành phần hồ sơ khi tiếp nhận ban đầu.

buu chinh cong ich 3A.jpg
UBND tỉnh đang yêu cầu Ban chỉ đạo đề án và các sở, ngành, địa phương tham mưu giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của đề án.

Ngoài ra, nhiều địa phương, đơn vị cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện đề án thí điểm, chế độ đãi ngộ còn thấp khiến nhân viên bưu điện được giao nhiệm vụ tại trung tâm hành chính công các cấp chưa thực sự tập trung, yên tâm cống hiến cho việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Việc thí điểm về chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị do Bưu điện tỉnh đầu tư xây dựng tại một số địa phương còn khó khăn, bị động. Việc tiếp cận công việc, hướng dẫn, hoàn thành tỷ lệ theo kế hoạch cải cách hành chính ở một số đơn vị cũng gặp khó khăn do thành phần, mức độ phức tạp của hồ sơ…

Để xác định được hướng đi cho đề án trong thời gian tới, tại hội nghị tổng kết thực hiện đề án thí điểm diễn ra vừa qua (21/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần nhìn nhận rõ những vướng mắc trong thực hiện đề án thí điểm thời gian qua, từ đó tham mưu giải pháp tháo gỡ. Nghiên cứu xây dựng danh mục các dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật trong thực hiện các nhóm dịch vụ. Bưu điện tỉnh tiếp tục làm việc với các địa phương để soát xét các lĩnh vực có thể tiếp tục chuyển giao; căn cứ vào tình hình thực tiễn, hiện trạng cơ sở vật chất của từng địa phương để đưa ra phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thường trực đề án thí điểm làm việc cụ thể với các sở, ngành để nắm bắt được nhu cầu sử dụng dịch vụ thời gian tới.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.