Việc công nhận Nam Đại Dương cũng trùng với ngày Đại dương Thế giới (8/6 hàng năm).
Chia sẻ trên National Geographic , Alex Tait, nhà địa lý thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ cho biết đại dương này vốn đã được giới khoa học công nhận từ lâu.
“Tuy nhiên, Nam Đại Dương chưa bao giờ được chính thức công nhận vì không có thỏa thuận quốc tế”, ông nói.
Nam Đại Dương chính thức được công nhận. Ảnh: National Geographic
Những người từng đến khu vực này kể lại đây là vùng biển khác lạ. Các sông băng có màu xanh hơn, không khí lạnh hơn, núi hiểm trở hơn và cảnh quan quyến rũ hơn bất kỳ nơi nào khác.
Đại dương mới sở hữu hệ sinh thái biển độc đáo, là nơi sinh sống của cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu. Nó cũng đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái các nơi khác.
Các nhà địa lý từng tranh luận rất nhiều về việc liệu những vùng nước xung quanh Nam Cực có đủ đặc điểm độc đáo để công nhận tên riêng không. Nhiều người nghĩ nó chỉ đơn giản là vùng mở rộng về phía nam của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, Ủy ban Chính sách Bản đồ của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã xem xét việc đặt tên cho đại dương mới khi giới khoa học và truyền thông ngày càng sử dụng nhiều thuật ngữ này.
“Việc công nhận tên gọi Nam Đại Dương phù hợp với quan điểm của hiệp hội. Chúng tôi muốn bảo tồn các đại dương trên thế giới và hướng nhận thức của cộng đồng vào một khu vực cần được bảo tồn”, Tait chia sẻ.
Kể từ khi National Geographic bắt đầu vẽ bản đồ vào năm 1915, tổ chức này đã công nhận 4 đại dương, gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Kể từ 8/6, Nam Đại Dương cũng chính thức được công nhận. Theo National Geographic , các đại dương khác được xác định bởi những lục địa xung quanh. Tuy nhiên, đại dương mới được xác định bởi một dòng chảy. Các nhà khoa học ước tính dòng hải lưu Nam Cực (ACC) xuất hiện từ cách đây 34 triệu năm - thời điểm Nam Cực tách khỏi Nam Mỹ. Điều này cho phép dòng nước chảy quanh đáy Trái Đất mà không bị cản trở. |