Thế giới ghi nhận trên 65,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,5 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 4/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 65.733.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới 1.515.516 ca. Số bệnh nhân được chữa khỏi bệnh trên toàn cầu là 45.565.308 người. Hiện còn hơn 18.652.409 người đang phải điều trị.

Thế giới ghi nhận trên 65,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,5 triệu ca tử vong

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu thống kê của hãng tin AFP công bố cùng ngày cho thấy kể từ ngày 24/11 vừa qua, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, mức chưa từng ghi nhận trước đó.

Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất trong nhiều ngày qua. Với 2.731 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ tháng 3, trong khi số ca nhập viện lần đầu tiên vượt 100.000 ca/ngày ngày 2/12. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ lần lượt là 14.545.884 ca và 283.030 ca.

Trong khi đó, tại châu Âu, Italy là nước ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất châu lục, với 993 ca. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Italy lần lượt là 1.664.829 ca và 58.038 ca.

Hungary ghi nhận thêm 189 ca tử vong trong ngày 4/12, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.513 ca. Trong khi đó, số ca mắc tại quốc gia Trung Âu này tăng thêm 6.212 ca lên 238.056 ca.

Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Hy Lạp đã quyết định kéo dài tình trạng phong tỏa trên toàn quốc cho đến ngày 14/12 tới. Đây là lần thứ hai Hy Lạp gia hạn sắc lệnh phong tỏa cả nước, có hiệu lực từ ngày 7/11. Lần gia hạn đầu tiên cách đây một tuần. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Hy Lạp có tổng cộng 111.537 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 2.706 ca tử vong.

Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 36.595 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 40.000 ca/ngày vào ngày thứ 5 liên tiếp ở Ấn Độ. Hiện tổng số ca nhiễm tại quốc gia Nam Á này tăng lên 9,57 triệu ca, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ (hơn 14,5 triệu ca nhiễm). Số ca tử vong tại Ấn Độ trong vòng 24 giờ qua cũng tăng thêm 540 ca, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.188 người.

Thế giới ghi nhận trên 65,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,5 triệu ca tử vong

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên trong 9 tháng qua, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt 600 ca, bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội đã được thắt chặt và tăng cường. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố thêm 629 ca nhiễm mới, trong đó 600 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 36.332 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia châu Á này đã lên tới 536 ca.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng 4/12 thông báo trong 24 giờ qua Trung Quốc ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó có hai ca lây nhiễm trong cộng đồng tại vùng Nội Mông. Tính đến hết ngày 3/12, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 86.584 ca mắc COVID-19, bao gồm 271 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, trong đó có 5 ca bệnh nặng. Tổng cộng 81.679 bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc đã xuất viện sau khi bình phục và 4.634 bệnh nhân đã tử vong.

Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 112 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 3 trong vòng 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này vượt 100 ca. Trong số 112 ca nhiễm mới, có 100 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 36 người chưa rõ nguồn lây - mức cao nhất kể từ khi làn sóng lây nhiễm hiện nay bùng phát. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền Hong Kong đã quyết định hủy hoạt động bắn pháo hoa mừng Năm mới vào ngày 31/12 tới tại Cảng Victoria, cũng như lễ diễu hành được tổ chức vào Tết Nguyên đán (theo Âm lịch).

Thế giới ghi nhận trên 65,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,5 triệu ca tử vong

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Philippines, Campuchia, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới bệnh COVID-19. Theo Bộ Y tế Indonesia, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 của nước này trong 24 giờ qua là 5.803 người, đưa tổng số ca nhiễm lên 563.680 người, trong đó có 17.479 trường hợp không qua khỏi. Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 34 tỉnh của quốc gia Đông Nam Á này.

Cùng ngày, Philippines cho biết ghi nhận thêm 934 ca mắc COVID-19. Tính đến nay, tổng cộng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt là 399.457 người và 8.509 người. Hiện khoảng 5,52 triệu dân, trong tổng số 110 triệu dân, tại nước này đã được xét nghiệm. Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi người dân đoàn kết và tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các thách thức do đại dịch gây ra.

Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 4 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca lây nhiễm liên quan tới “Sự kiện cộng đồng ngày 28/11” (vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Campuchia liên quan tới phu nhân một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Campuchia) lên 23 người.

Tại châu Đại dương, New Zealand không ghi nhận ca nhiễm mới nào, lần đầu tiên trong vòng vài tuần qua và tổng số ca mắc COVID-19 vẫn là 1.713 ca.

Liên quan đến kế hoạch sản xuất và phân phối vaccine phòng COVID-19, công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) thông báo kế hoạch cung cấp từ 100 - 125 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong quý I/2021, trong đó phần lớn sẽ được phân phối ở Mỹ. Theo tuyên bố, khoảng 85 - 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sẽ được cung cấp cho thị trường Mỹ, 15 - 25 triệu liều còn lại sẽ phân phối cho các nước khác. Moderna xác nhận vào cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu liều vaccine của công ty này tại Mỹ.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý dược phẩm uy tín đang tiến hành đánh giá độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine triển vọng ngừa COVID-19 trước khi chính thức cấp phép sử dụng. Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Theo TTXVN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.