Ông Boris Johnson (trái) và ông Jeremy Hunt. (Ảnh: Express)
Đảng Bảo thủ chốt danh sách 2 ứng viên bầu Thủ tướng Anh: Hai ứng cử viên cuối cùng được các nghị sỹ đảng Bảo thủ đưa vào danh sách để các đảng viên bầu chọn làm lãnh đạo đảng và giữ vị trí Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May là cựu ngoại trưởng Boris Johnson và ngoại trưởng Jeremy Hunt.
Trong ngày 20/6, các nghị sỹ đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh đã tổ chức 2 vòng bỏ phiếu chọn lãnh đạo đảng. Trong vòng bỏ phiếu thứ 4 diễn ra sáng 20/6, trong số 4 ứng cử viên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid là người nhận được số phiếu ủng hộ thấp nhất (34 phiếu) nên bị loại khỏi cuộc đua.
Đến vòng bỏ phiếu cuối diễn ra vào buổi chiều, trong số 3 ứng cử viên còn lại sau lượt bỏ phiếu buổi sáng, ứng cử viên Boris Johnson tiếp tục dẫn đầu khi giành được 160 phiếu, tiếp theo là Jeremy Hunt với 77 phiếu và ứng cử viên Michael Gove, với 2 phiếu ít hơn so với ông Jeremy Hunt, trở thành người phải ra đi.
Với kết quả này, cuộc chạy đua vào vị trí Thủ tướng Anh sẽ là sự đối đầu giữa ông Johnson, lãnh đạo phe "Ra đi", và ông Hunt thuộc phe "Ở lại" trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (được gọi là Brexit) năm 2016.
Hai ông Boris Johnson và Jeremy Hunt sẽ có một tháng để vận động và thuyết phục 160.000 thành viên đảng Bảo thủ thông qua các cuộc tranh luận và chất vấn trên toàn quốc, trước khi cuộc bỏ phiếu kín của toàn thể thành viên đảng này được tiến hành qua đường bưu điện và kết quả sẽ được công bố trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 22/7.
Nhà máy diêm bị cháy rụi. (Ảnh: Kumpuran)
Cháy nhà máy diêm ở Indonesia, ít nhất 30 người thiệt mạng: Ngọn lửa bùng lên ở một nhà máy sản xuất diêm ở thị trấn Binjai, bắc Sumatra, Indonesia ngày 21/6, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, gồm 3 trẻ em.
2 người bị bắt vì có liên quan trực tiếp đến vụ cháy là chủ nhà máy diêm và chủ cho thuê nhà. Theo cảnh sát Indonesia, nhà máy diêm này đã đi vào hoạt động từ năm 2002 mà không có giấy phép.
Chủ nhà máy đã không chú ý tới an toàn lao động cho nhân viên, đặc biệt khi sản xuất diêm bằng chất hoá học cần có các tiêu chuẩn đặc biệt. Thậm chí, ông chủ nhà máy còn khoá trái cửa khi các công nhân đang làm việc bên trong để tránh trộm cắp. Vì vậy, đám cháy xảy ra khiến những người bị mắc kẹt trong xưởng.
Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân đám cháy và trách nhiệm của những người liên quan.
Máy bay của hàng không Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Theo chân Mỹ, hàng loạt hãng hàng không quốc tế dừng bay qua Iran: Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 20/6 phát lệnh khẩn, cấm các hãng hàng không nước này bay vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. Lệnh được đưa ra sau khi Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái (UAV) Global Hawk của Mỹ ở độ cao 18.300 m trên eo biển Hormuz.
FAA bày tỏ quan ngại về căng thẳng đang leo thang ở Vùng Vịnh, các hoạt động quân sự ở gần các tuyến đường có mật độ cao máy bay dân sự cũng như "sự sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa trong không phận quốc tế mà có ít hoặc không có cảnh báo của Iran".
Sau Mỹ, một loạt các hãng hàng không quốc tế đã định hướng lại các chuyến bay nhằm tránh đi qua không phận Iran trên Eo biển Hormuz và vịnh Oman.
Theo đó, các hãng hàng không Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, hãng hàng không Malaysia, Qantas (Australia), Singapore, Lufthansa (Đức), Anh, KLM (Hà Lan) đều ra thông báo chuyển hướng đường bay.
Kỹ thuật viên làm việc trong cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhóm P5+1 thông báo họp khẩn về thỏa thuận hạt nhân với Iran: Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/6 cho biết những nước còn lại trong Nhóm P5+1, ngoại trừ Mỹ, từng ký thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015 sẽ họp khẩn tại Vienna (Áo) vào tuần tới để thảo luận các biện pháp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái.
Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran sẽ nhóm họp vào ngày 28/6 tới tại Vienna trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực vùng Vịnh sau khi xảy ra các vụ tấn công vào tàu chở dầu và mới đây nhất là vụ một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ tại khu vực này.
Trong một tuyên bố, EU cho biết cuộc họp được triệu tập nhằm đảm bảo việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về mọi khía cạnh cũng như thảo luận các biện pháp giải quyết những thách thức đặt ra từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng như thông báo gần đây của Tehran liên quan tới việc thực thi những cam kết của nước này trong thỏa thuận."
Người dân di chuyển trên đường phố Tokyo, Nhật bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhật Bản xem xét tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động ở tuổi 70: Trong một chiến lược được Nội các Nhật Bản thông qua ngày 21/6, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ yêu cầu các doanh nghiệp xem xét "giữ chân" nhân viên cho đến tuổi 70.
Hiện nhiều công ty Nhật Bản đã tăng độ tuổi nghỉ hữu của nhân viên, từ độ tuổi 60 theo quy định hiện hành. Để đảm bảo nguồn ngân sách cho an sinh xã hội, chính sách của Nhật Bản xác nhận kế hoạch từ tháng 10 tới sẽ tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10%.
Trong bối cảnh có nhiều quan ngại kế hoạch tăng thuế này có thể làm giảm nhu cầu chi tiêu của người dân, từ đó làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét "sớm" tăng mức lương tối thiểu trung bình theo giờ lên 1.000 yen (9,3 USD).
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng do dân số già, Nhật Bản hồi tháng Tư đã công bố chính sách cấp thị thực mới cho người lao động là người nước ngoài nhằm thu hút lao động có tay nghề tới nước này làm việc.