Máy bay Boeing 737 MAX. (Ảnh: Reuters)
Mỹ tạm ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX: Rạng sáng 14/3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh khẩn cấp yêu cầu đình chỉ bay đối với tất cả phi cơ Boeing 737 Max 8 và Boeing 737 Max 9. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Tất cả máy bay thuộc hai dòng Boeing 737 Max 8 và Boeing 737 Max 9 sẽ không được cất cánh. Sự an toàn của người dân Mỹ là mối quan tâm tối thượng của chúng ta”.
Tổng thống Trump cho biết thêm tất cả các hãng hàng không đều đã được thông báo về lệnh cấm trên. Sắc lệnh khẩn cấp này thật sự là quyết định gây choáng váng đối với tập đoàn chế tạo máy bay lừng danh Boeing của Mỹ.
Trong một tuyên bố sau đó, Boeing khẳng định tán thành sắc lệnh của Tổng thống Trump, song tập đoàn này “vẫn đặt trọn niềm tin vào độ an toàn của dòng máy bay 737 Max”. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi tán thành bước đi này. An toàn bay là giá trị cốt lõi tại tập đoàn Boeing”.
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối Brexit không thỏa thuận: Đêm 13/3 theo giờ Việt Nam, với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận.
Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit.
Ngoài ra, các nghị sỹ Anh cũng bỏ phiếu phản đối điều khoản sửa đổi cho phép Chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 22/5.
Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu thứ hai liên tiếp chỉ trong 2 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày nếu như các nghị sỹ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà.
Theo lộ trình vạch sẵn, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, trừ phi Chính phủ của Thủ tướng May đạt được một kế hoạch khác với EU.
Trong khi đó, tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU yêu cầu London có “câu trả lời rõ ràng” về việc có trì hoãn tiến trình Brexit hay không.
Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bê bối tuyển sinh đại học gây rúng động nước Mỹ: Hãng tin NBC News ngày 13/3 dẫn lời của William Singer, đối tượng cầm đầu đường dây chạy suất vào đại học trị giá 25 triệu USD, cho biết đã "giúp" 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ."
Các nhà điều tra cho biết các bậc cha mẹ đã trả cho William Singer từ 200.000 đến 6,5 triệu USD, tùy từng trường hợp và từng trường đại học học mà các gia đình này nhắm đến, để tăng cơ hội cho con cái họ vào các trường như đại học uy tín thông qua việc trả tiền cho người làm bài kiểm tra hộ, mua chuộc các quản trị viên kiểm tra và các huấn luyện viên của một số trường đại học này.
Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" do cảnh sát Mỹ phát động đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các giám đốc điều hành (CEO), nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ đã "đi đêm" để chạy suất cho con họ vào các trường đại học hàng đầu như Yale, Stanford, Georgetown hay Nam California.
Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ.
Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này.
Cảnh mất điện tại Caracas, Venezuela ngày 9/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Venezuela khôi phục hệ thống điện: Ngày 13/3, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ Venezuela khôi phục hệ thống điện trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trong tình trạng mất điện kéo dài nhiều ngày qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Trung Quốc hy vọng rằng Venezuela có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự cố mất điện và khôi phục hệ thống điện cũng như trật tự xã hội". Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng đề nghị hỗ trợ và trợ giúp kỹ thuật cho Venezuela nhằm khôi phục hệ thống điện.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi các nước đồng minh như Nga và Trung Quốc cũng như Liên hợp quốc hỗ trợ trong cuộc điều tra về một "vụ tấn công mạng của Mỹ" mà nhà lãnh đạo Venezuela cho là nguyên nhân gây ra sự cố mất điện tại nước này.
Hiện, các doanh nghiệp và trường học ở Venezuela vẫn đóng cửa theo chỉ thị của Tổng thống Maduro do ảnh hưởng bởi sự cố mất điện. Kể từ cuối tuần qua, một số khu vực tại Venezuela đã có điện trở lại, song trong tình cảnh điện phập phù.
(Ảnh minh họa: Global Look Press)
Italy cấm học sinh đến trường nếu không tiêm đủ vaccine: Sau nhiều tháng tranh cãi xung quanh vấn đề tiêm vaccine phòng bệnh bắt buộc tại Italy, đã đến hạn chót để phụ huynh chứng minh con của họ đã tiêm đủ các mũi bắt buộc trước khi nhập học bậc tiểu học.
Theo hãng RT, các ông bố, bà mẹ phải chứng minh con mình đã được tiêm phòng thủy đậu, bại liệt, sởi, quai bị và rubella, nếu không phải nộp phạt 500 euro (tương đương 13 triệu đồng) hoặc bị đình chỉ học.
Điều luật Lorenzin của Italy yêu cầu trẻ em phải tiêm các loại vaccine bắt buộc đã được thông qua năm 2017 sau khi dịch sởi bùng phát khắp châu Âu. Tuy nhiên, thời hạn đã bị điều chỉnh vài lần do những vấn đề quan liêu.
Giới chức Italy đang nỗ lực để đạt tỷ lệ tiêm phòng sởi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 95%. Tỷ lệ hiện nay đối với trẻ em sinh từ năm 2015 tại nước này vẫn dưới mục tiêu trên, đạt 94%.