Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Amelie De Montchalin, cho rằng việc đưa phái đoàn Nga trở lại không liên quan đến các vấn đề địa chính trị, (Ảnh: Europe1)
Hội đồng châu Âu gỡ bỏ trừng phạt Nga: Cơ quan Nghị viện của Hội đồng châu Âu ngày 24/6 đã bỏ phiếu gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và cho phép phái đoàn Nga trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau cuộc khủng hoảng Ukraine.
Với 118 phiếu thuận so với 62 phiếu chống, Cơ quan Nghị viện của Hội đồng châu Âu tối ngày 24/6 đã quyết định gỡ bở các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong phiên họp toàn thể của tổ chức này tại thành phố Strasbourg của Pháp.
Đây cũng là thiết chế đầu tiên tại châu Âu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu này là thiết chế độc lập với Liên minh châu Âu, được thành lập từ năm 1949, có trụ sở tại thành phố Strasbourg của Pháp và quy tụ tất cả các nước châu Âu, kể cả các quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu.
Chức năng chính của thiết chế này là bảo vệ nhân quyền và nhà nước pháp quyền, trong đó vai trò nổi bật nhất của thiết chế này được thực hiện thông qua Toà án nhân quyền châu Âu.
Binh sĩ Mexico. (Ảnh: CNN)
Mexico điều gần 15.000 binh sĩ tới biên giới với Mỹ: Bộ trưởng Quốc phòng Mexico hôm 24/6 cho biết nước này đã điều gần 15.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia và các đơn vị quân sự tới biên giới phía Bắc với Mỹ nhằm tăng cường an ninh biên giới.
Theo Bộ trưởng Sandoval, các lực lượng Mexico đang tiến hành bắt giữ những người di cư tìm cách vượt biên giới trái phép vào Mỹ.
Đây được coi là một phần của thỏa thuận nhằm tránh việc Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mexico.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã dọa sẽ đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico nếu nước này không tiến hành các bước tăng cường an ninh biên giới. Theo thỏa thuận với Mỹ, Mexico có 45 ngày để tăng cường an ninh biên giới.
Bà Stephanie Grisham. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn của bà Melania trở thành Thư ký báo chí Nhà Trắng: Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump ngày 25/6 thông báo bà Stephanie Grisham, người phát ngôn hàng đầu của bà, đã được bổ nhiệm vào vị trí Thư ký báo chí Nhà Trắng.
Trên trang Twitter, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cho biết: "Tôi rất vui mừng được thông báo bà Stephanie Grisham sẽ là Giám đốc Báo chí và Truyền thông." "Bà ấy đã làm việc cùng chúng tôi từ năm 2015 và tôi có thể cho rằng không có ai phục vụ chính quyền và đất nước chúng ta tốt hơn bà ấy. Thật vui khi bà Stephanie làm việc cho cả hai bên của Nhà Trắng."
Bà Grisham, người đã làm việc tại Nhà Trắng từ năm 2017, sẽ thay thế thay thế vị trí của Sarah Sanders, người đã từ chức và sẽ rời Nhà Trắng vào cuối tháng Sáu. Là cố vấn cấp cao trong chiến dịch vận động tranh của tổng thống của ông Trump năm 2016, bà Sanders đã được bổ nhiệm vào vị trí Trợ lý Thư ký báo chí Nhà Trắng sau khi ông Trump đắc cử.
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Boris Johnson sẵn sàng cho phương án không thỏa thuận với EU: Ngày 25/6, ứng cử viên hàng đầu vào chức Thủ tướng Anh, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson tuyên bố sẽ theo đuổi một thỏa thuận Brexit mới với Liên minh châu Âu (EU), song nếu khối này từ chối đề nghị, ông sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này khỏi EU vào tháng 10 tới mà không có thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Johnson cam kết sẽ đưa Anh rời EU vào đúng ngày 31/10 tới. Ông cho biết dù không muốn một Brexit không thỏa thuận, nhưng việc xem xét phương án này là cần thiết để đảm bảo kết quả mà Anh mong muốn.
Để giải quyết bế tắc hiện nay, ông Johnson đang cân nhắc đến việc thay đổi hoặc bỏ qua phương án rào chắn, bởi theo ông sẽ cần rất nhiều sửa đổi kỹ thuật để tránh việc tái áp đặt biên giới cứng giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Ngoài ra, ông Johnson cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều mơ hồ về thời điểm và cách thức chi trả khoản phí "ly hôn" trị giá 39 tỷ bảng (tương đương 50 tỷ USD) mà Anh và EU đã nhất trí trước đó.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph của Nga tại Elektrostal. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga trong tháng 7: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/6 tuyên bố nước này sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trong tháng Bảy, một hợp đồng đã gây căng thẳng với Mỹ.
Phát biểu truyền hình quốc gia, ông Erdogan nói :"Vấn đề hệ thống tên lửa S-400 liên quan trực tiếp đến chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi không rút khỏi hợp đồng này. Để đáp ứng các nhu cầu an ninh của mình, Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải xin phép."
Tổng thống Erdogan cam kết sử dụng quan hệ tốt của mình với người đồng cấp Mỹ Donald Trump để giảm căng thẳng khi hai bên gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại Osaka, Nhật Bản cuối tuần này.
Trước đó, Mỹ đã đưa ra hạn chót cho Thổ Nhĩ Kỳ là 31/7 để từ bỏ kế hoạch mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt và rút khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.