Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

(Baohatinh.vn) - Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3; Các nước cam kết viện trợ hơn 110 triệu USD cho người tị nạn Palestine... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 26/6 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: ABC News)

Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 26/6 tiết lộ, Mỹ - Triều đang đàm phán “bí mật”, để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3. Theo Tổng thống Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên đang diễn biến một cách ổn định và tích cực.

Trả lời báo chí bằng văn bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng dù không đạt được thỏa thuận sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, song tình hình bán đảo Triều Tiên không hề diễn biến một cách “bế tắc”. Ông Moon Jae-in tiết lộ, giới chức Mỹ - Triều Tiên thời gian qua đã đàm phán “ngầm”, nhằm hướng tới 1 thượng đỉnh tiếp theo, với sự hiểu biết lẫn nhau đã đạt được từ Thượng đỉnh tại Hà Nội.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, tình hình đang tiến triển một cách “ổn định và mọi thứ “chín muồi” để các bên nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân một cách chính thức. Tổng thống Moon Jae-in kỳ vọng, một khi đàm phán chính thức Mỹ - Triều được nối lại, tình hình sẽ tiến triển ở một “tầm cao mới”.

Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ tại Khan Yunis, phía nam Dải Gaza ngày 28/1/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước cam kết viện trợ hơn 110 triệu USD cho người tị nạn Palestine: Ngày 25/6, hơn 110 triệu USD đã được cam kết gửi tới Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại một hội nghị tổ chức ở trụ sở Liên hợp quốc nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ UNRWA - vốn đang lâm vào khó khăn sau khi Mỹ cắt toàn bộ tài trợ hồi năm ngoái.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 35 nước, trong đó đa số là các quốc gia châu Âu và Arab, với những khoản cam kết đóng góp lớn nhất đến từ Liên minh châu Âu (EU) (23,7 triệu USD), Đức và Anh.

Giám đốc UNRWA Pierre Kraehenbuehl đã hoan nghênh cam kết viện trợ 110 triệu USD nêu trên, đồng thời nhấn mạnh rằng "một khoản tiền quan trọng" này sẽ giúp UNRWA trang trải chi phí hoạt động cho những tháng tới và tránh được khủng hoảng ngân sách.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết cơ quan này vẫn sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để bù đắp thiếu hụt trong tổng số ngân sách cam kết tài trợ 1,2 tỷ USD vào tháng 9 tới. Hồi năm ngoái, UNRWA cũng đã phải dựa vào các khoản tiền bổ sung từ các nước thành viên và các khoản tiết kiệm nội bộ để bù đắp lỗ hổng trị giá 446 triệu USD trong tổng ngân sách 1,2 tỷ USD.

Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cuối tuần này. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ sẽ áp thuế bổ sung nếu không đạt thoả thuận với Trung Quốc tại G20: Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung với Trung Quốc nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Osaka (Nhật Bản) cuối tuần này.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business Network, ngày 26/6, ông Trump nêu rõ: "Mức thuế bổ sung rất lớn nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng hai nhà lãnh đạo có thể đạt được thỏa thuận tránh áp thêm thuế tại cuộc gặp tới. Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc biết rõ cần phải làm gì để đạt thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh muốn hoàn tất thỏa thuận hơn cả Washington.

Theo kế hoạch, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề G20. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận. Cũng trong ngày 26/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất "khoảng 90%" và bày tỏ lạc quan các nhà đàm phán của hai nước có thể sớm hoàn tất toàn bộ thỏa thuận này.

Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Sao Paulo ngày 7/4/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án tối cao Brazil từ chối yêu cầu phóng thích cựu Tổng thống Lula da Silva: Với tỉ lệ bỏ phiếu 3/2, Tòa án liên bang tối cao Brazil ngày 25/6 đã từ chối phóng thích cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva theo yêu cầu của luật sư biện hộ viện dẫn nguyên tắc “đình quyền giam giữ”.

Đây là lần thứ 2 nhóm luật sư bào chữa cho ông Lula trình yêu cầu xem xét phóng thích chính trị gia cánh tả này, lần này là dựa trên lập luận về tính thiếu khách quan của Bộ trưởng Tư pháp và cựu Chánh án Sergio Moro - người đã trực tiếp kết án ông Lula và bị nghi là có động cơ chính trị trong một tiến trình tố tục pháp lý xét xử những tố cáo tham nhũng nhằm vào ông Lula.

Vài giờ trước đó, Tòa án liên bang tối cao Brazil cũng đã từ chối (với tỉ lệ phiếu 4/1) một phán quyết của tòa cấp dưới, trong đó giảm án cho cựu Tổng thống Lula nhưng không cho ông hưởng tự do.

Trước đó 2 tuần, trang tin The Intercept đã công bố những tài liệu cho thấy ông Moro đã có các cuộc trò chuyện trái luật với công tố viên Deltan Dallagnol nhằm đảm bảo kết án cựu Tổng thống Lula, những tiết lộ được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi cách nhìn về vụ án chống lại chính trị gia uy tín nhất Brazil hiện tại.

Thế giới ngày qua: Mỹ - Triều “ngầm” đàm phán, hướng tới Thượng đỉnh lần 3

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp Iskander-M với tên lửa 9M728 (trái) và 9M723 cạnh radar 1L261 của tổ hợp Zoopark-1M. (Ảnh: RIA Novosti)

Thượng viện Nga thông qua dự luật đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ: Thượng viện Nga trong phiên họp ngày 26/6 đã thông qua dự luật về việc ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Dự luật này sẽ được trình lên Tổng thống Vladimir Putin xem xét ký thành luật.

Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho biết lý do của việc Nga thúc đẩy việc đình chỉ INF là nhằm đáp trả động thái tương tự của Washington.

Mỹ hồi tháng 2 tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước INF trong vòng 6 tháng nếu Nga không phá hủy 9M729, loại tên lửa bị Washington cáo buộc vi phạm quy định về tầm bắn của INF. Nga phủ nhận điều này và tuyên bố Mỹ vi phạm hiệp ước INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu với ống phóng đa năng Mk.41 có khả năng phóng tên lửa hành trình.

Tổng thống Putin ngày 4/3 ký sắc lệnh cho phép Moskva ngừng tuân thủ các điều khoản của hiệp ước INF và bật đèn xanh cho việc phát triển tên lửa hành trình tầm trung.

Hiệp ước INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại việc hiệp ước INF bị hủy bỏ sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu vào tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Quan chức cấp cao về nhân đạo của LHQ cảnh báo người dân Gaza đang phải sống trong tình cảnh đặc biệt tồi tệ dưới tác động của nạn đói, điều kiện sống khắc khổ cùng với thời tiết mưa lớn vào mùa Đông và giao tranh vẫn tiếp diễn.