Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: Axios)
Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/7 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Ngoại trưởng Iran bao gồm đóng băng mọi tài sản ở Mỹ và cấm các cá nhân và thực thể Mỹ có quan hệ với ông Zarif hoặc sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, ông Zarif cũng bị cấm không được tới Mỹ. Động thái này dự kiến sẽ khiến gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Việc Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran đã được dự báo từ trước sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đã nhận được chỉ thị từ Tổng thống Trump từ tháng 6. Tuy nhiên, quyết định này đã bị trì hoãn do một số quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng điều này sẽ đóng cửa con đường ngoại giao giữa hai nước.
Một tòa nhà lò phản ứng (bên phải) và tòa tuabin tại nhà máy điện hạt nhân Tokai Daini của Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản.
Nhật Bản dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân tại Fukushima: Ngày 31/7, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) chính thức quyết định dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân tại tỉnh Fukushima.
Điều này có nghĩa là 10 lò phản ứng, gồm 6 lò phản ứng thuộc Nhà máy điện Fukushima số 1 và 4 lò phản ứng thuộc Nhà máy điện Fukushima số 2 sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Chủ tịch TEPCO Tomoaki Kobayakawa đã thông báo quyết định đối với chính quyền tỉnh Fukushima.
EPCO cho biết cần hơn 40 năm và sẽ tiêu tốn khoảng 280 tỷ yên (tương đương 2,6 tỷ USD) để thực hiện công việc dỡ bỏ 4 lò phản ứng thuộc Nhà máy số 2. Công ty này cũng sẽ xây dựng một cơ sở lưu trữ tại chỗ phần nhiên liệu hạt nhân lấy ra từ nhà máy. Tuy nhiên, họ vẫn chưa chọn nơi xử lý cuối cùng cho nhiên liệu.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc không đạt tiến triển: Chiều 31/7, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan về thương mại và công nghệ. Tuy nhiên, hai bên đã không đưa ra tuyên bố nào khẳng định đã đạt được tiến triển.
Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc đàm phán diễn ra trong các ngày 30 - 31/7 là sự kiện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí nối lại các cuộc thương lượng đã đổ vỡ hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc họp kết thúc vào chiều 31/7, sớm hơn kế hoạch khoảng 40 phút. Cả hai phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc đều không đưa ra phát biểu với các phóng viên trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lên đường về nước.
Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Mỹ - Trung đình chiến trong cuộc chiến về thuế quan là rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, và không có dấu hiệu cho thấy hai chính phủ sẽ sẵn sàng nhượng bộ.
Ảnh minh họa: wwiii.news
Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2/8: Ngày 30/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga từ ngày 2/8, đồng thời có thể không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Cố vấn John Bolton cho biết, hiệp ước New START còn chưa hoàn thiện và vì vậy nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra liên quan tới New START, văn kiện ký kết năm 2010 và hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Nga và Mỹ.
Trước đó, ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) do Moskva đã vi phạm hiệp ước này. Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.
Học sinh, sinh viên tham gia biểu tình tại Khartoum, Sudan, ngày 30/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Sudan đóng cửa vô thời hạn các trường học trên toàn quốc: Truyền thông nhà nước Sudan đưa tin, nhà chức trách nước này ngày 30/7 đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn toàn bộ trường học trên toàn quốc, sau vụ nổ súng khiến 5 người thiệt mạng tại một cuộc mít tinh, châm ngòi cho các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên ở miền Trung nước này.
Theo hãng thông tấn chính thức SUNA, mệnh lệnh của Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo nước này "đã được gửi tới thống đốc tất cả các bang nhằm đóng cửa nhà trẻ, trường tiểu học và trung học từ ngày 31/7 cho tới khi có thông báo tiếp theo".
Trước đó, lệnh giới nghiêm cũng đã được ban bố tại 4 thị trấn thuộc bang Bắc Kordofan, trong đó có thủ phủ Al-Obeid, với hiệu lực từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau trong khoảng thời gian không xác định.