Thế giới ngày qua: Thủ tướng Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Israel

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Israel; Ông Kim Jong Un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 12/4 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Thủ tướng Netanyahu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Israel: Ủy ban Bầu cử Israel ngày 11/4 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử, diễn ra hôm 9/4 vừa qua.

Với kết quả vừa được công bố, nhóm đảng cánh hữu do Đảng Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu đã giành được tổng cộng 65 ghế, vượt quá số ghế cần thiết là 61/120 ghế Quốc hội để lực lượng cánh hữu có thể giành quyền thành lập chính phủ liên minh.

Hiện Thủ tướng Netanyahu cũng đã bày tỏ ý định hợp tác với các đảng cánh hữu và Do thái chính thống để thành lập chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Netanyahu đang tiến tới nhiệm kỳ thứ 5 và sẽ trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel. Trước đó tối 10/4, lãnh đạo đảng Xanh - Trắng Benny Gantz, đối thủ chính trong cuộc đua chức Thủ tướng với ông Netanyahu, đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử.

Nhà lãnhh đạo Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)

Ông Kim Jong Un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12/4 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un vừa tái đắc cử vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, cơ quan ra quyết định cao nhất của Triều Tiên, tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng Nhân dân tối cao (Quốc hội) khóa 14 diễn ra hôm 11/4.

Trong một thông báo, KCNA cho biết: “Việc bầu nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là sự kiện chính trị to lớn có ý nghĩa lịch sử quan trọng”.

Ông Kim Jong Un được bầu vào vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên lần đầu tiên vào năm 2016, thời điểm Ủy ban này được thành lập qua việc sửa đổi hiến pháp.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibnouf (trái) ở thủ đô Khartoum ngày 14/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sudan tuyên bố không giao nộp cựu Tổng thống al-Bashir cho tòa án quốc tế: Ngày 12/4, quân đội Sudan tuyên bố sẽ không bàn giao cựu Tổng thống Omar al-Bashir cho Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) xét xử.

Từ nhiều năm nay, ông Omar al-Bashir, người cầm quyền tại Sudan 30 năm sau khi thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, đã bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng vì những gì nhà lãnh đạo này từng thực hiện tại Darfur.

Cùng ngày, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp Sudan cam kết chính phủ mới ở nước này sẽ là "một chính quyền dân sự", khẳng định quân đội không có ý định kiểm soát quyền lực lâu dài.

Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan dự kiến điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tối đa 2 năm, trước khi tổ chức tổng tuyển cử. Theo Chủ tịch hội đồng này - Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf - nếu tình hình "không hỗn loạn" giai đoạn chuyển tiếp có thể sẽ chỉ trong vòng một tháng. Ông đồng thời cho biết Đảng Đại hội Dân tộc cầm quyền trước đây của Tổng thống Omar al-Bashir vừa bị lật đổ, được phép tham gia tranh cử.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange (giữa, phía sau) bị cảnh sát bắt giữ và áp giải khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4/2019. (Ảnh: Rupity/TTXVN)

Ecuador đình chỉ tư cách công dân đối với nhà sáng lập WikiLeaks: Bộ Ngoại giao Ecuador ngày 11/4 thông báo nước này đã đình chỉ tư cách công dân của nhà sáng lập WikiLeaks - ông Julian Assange.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tuyên bố chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao với nhân vật này.

Theo Tổng thống Ecuador, việc chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao với ông Julian Assange là để thực hiện chủ quyền của quốc gia này, do ông Assange liên tục vi phạm các công ước quốc tế về cư trú.

Quyết định của Chính phủ Ecuador đã mở đường cho cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 11/4.

Trước đó, Tổng thống Ecuador khẳng định ông đã nhận được đảm bảo bằng văn bản từ phía Anh rằng nước này sẽ không dẫn độ ông Assange tới một quốc gia mà ông ta có thể phải đối mặt với án tử hình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Potroshenko. (Ảnh: president.gov.ua)

Nga được hoan nghênh tham gia vào tiến trình hòa bình cho Donbass: Theo Sputniknews, ngày 12/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Đức, Pháp và Ukraine ủng hộ việc tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở khu vực Đông Nam Ukraine (Donbass), đồng thời hoan nghênh sự tham gia của Nga trong tiến trình hòa bình này.

Phát biểu họp báo chung với Tổng thống Ukraine Petro Potroshenko sau hội đàm ở thủ đô Berlin, bà Merkel nhấn mạnh: "Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và tôi, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tin rằng chúng ta cần một giải pháp chính trị (ở Donbass). Việc Nga tham gia vào tiến trình này là tốt và đúng đắn. Mặc dù kết quả không như kỳ vọng, song tôi tin rằng chúng ta cần theo đuổi con đường này, bởi tôi nghĩ đây là con đường duy nhất cho phép chúng ta tiến lên."

Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Poroshenko tuyên bố một lệnh ngừng bắn nhân dịp Lễ phục sinh sẽ bắt đầu ở Donbass vào ngày 18/4 tới, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ đảm bảo tuân thủ các điều kiện của lệnh ngừng bắn này.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói