Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN
Truyền thông Triều Tiên công bố toàn văn hiến pháp sửa đổi. Ngày 21/9, trang mạng Naenara của Triều Tiên đã công bố toàn văn bản hiến pháp sửa đổi của nước này, theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia chính thức.
Trong bản sửa đổi mới nhất này, Điều 104 quy định những trách nhiệm mới cho Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Triều Tiên - như ban hành luật và bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là nhà lãnh đạo tối cao “đại diện cho đất nước”.
Hiến pháp mới vẫn quy định Chủ tịch Đoàn chủ tịch SPA đại diện cho đất nước và nhận quốc thư của các phái viên nước ngoài, đồng nghĩa chức danh đại diện cho đất nước chỉ mang tính tượng trưng khi nhận quốc thư.
Ông Kim Jong-un đã tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 4. Cũng tại kỳ họp này, ông Choe Ryong-hae đã được bầu thay thế ông Kim Yong-nam giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch SPA.
Các tay súng phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phiến quân Houthi thông báo kế hoạch ngừng tấn công Saudi Arabia. Tối 20/9, phiến quân Houthi tại Yemen thông báo lực lượng này có kế hoạch ngừng tất cả các cuộc tấn công vào Saudi Arabia trong khuôn khổ sáng kiến hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Yemen.
Người đứng đầu Ủy ban chính trị tối cao của Houthi, Mehdi al-Mashat nêu rõ kế hoạch của lực lượng này “ngừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Saudi Arabia” bằng máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và những phương tiện khác, đồng thời bày tỏ hy vọng hành động này của Houthi sẽ được đáp lại bằng “hành động mạnh mẽ hơn” từ phía Saudi Arabia.
Theo ông Mashat, các sáng kiến hòa bình của Houthi là nhằm mang lại hòa bình thông qua đàm phán nghiêm túc nhằm đạt được hòa giải dân tộc toàn diện với sự tham gia của tất cả các bên ở Yemen.
Cảnh sát chống bạo động được triển khai để giải tán các cuộc biểu tình của phe “Áo vàng” ở thành phố Amiens, Pháp ngày 25/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Pháp triển khai lực lượng an ninh lớn tại Paris đề phòng biểu tình bạo loạn. Ngày 21/9, hơn 7.000 cảnh sát đã được triển khai tại nhiều khu vực ở thủ đô Paris của Pháp nhằm đề phòng những hành động bạo lực có nguy cơ xảy ra do những người biểu tình của phong trào "Áo vàng" có thể gây rối và nhằm vào một cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu khác diễn ra cùng thời điểm.
Cảnh sát Paris đã bắt giữ hàng chục người biểu tình “Áo vàng” quá khích. Tính đến trưa ngày 21/9, đã có hàng trăm người biểu tình tụ tập trên nhiều tuyến phố. Hiện các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục theo dõi liệu phong trào biểu tình của những người “Áo vàng” nguy cơ tái bùng phát vào mùa Đông và đầu mùa Xuân tới hay không. Trong những tháng Hè vừa qua, số lượng người biểu tình “Áo vàng” dịp cuối tuần tại nhiều thành phố ở Pháp đã giảm đáng kể. Cuối tháng 11 năm ngoái, phong trào này đã ghi nhận số người biểu tình lên tới 282.000 người.
Kể từ tháng 11/2018, thủ đô Paris thường xuyên phải đối mặt với các cuộc biểu tình do phong trào “Áo vàng” tổ chức vào cuối tuần nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ, mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao.
|
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif . Ảnh: Reuters |
Iran tố Mỹ "chặn đứng" nguồn sống của người dân nước này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 21/9 đã kịch liệt chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran, xem đây là một âm mưu nhằm không cho người dân Iran được quyền tiếp cận thực phẩm và dược phẩm.
Trước đó, hôm 20/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không nêu chi tiết các biện pháp trừng phạt này. Đây là động thái mới nhất của Mỹ, được đưa ra gần 1 tuần sau các vụ tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia mà giới chức Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, dù Iran đã kịch liệt bác bỏ.
Trong một tuyên bố trước báo giới, ông Zarif nhấn mạnh, động thái này được xem là sự thất vọng của Mỹ. Khi Mỹ liên tục trừng phạt một thể chế nhà nước, điều này chỉ chứng tỏ một điều, họ đang muốn gây áp lực tối đa với quốc gia này song hành động của họ đã thất bại.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thái Lan sẽ thay mặt ASEAN công bố các đề xuất về khí hậu. Bộ Ngoại giao Thái Lan (MFA) cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ trình bày các đề xuất nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ sự bền vững, tại phiên họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 74) vào tuần tới ở New York.
Truyền thông Thái Lan ngày 21/9 dẫn lời một quan chức MFA cho biết Thủ tướng Prayut sẽ thay mặt ASEAN có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Khí hậu - một sáng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Theo quan chức này, bộ trưởng các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận về biến đổi khí hậu vài ngày trước đây. Do đó, Thủ tướng Prayut sẽ trình bày cam kết của ASEAN trước UNGA, đồng thời cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ của ASEAN đối với sự bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh Mục tiêu Phát triển Bền vững.