Brenton Tarrant đăng video trực tiếp lên mạng trước khi thực hiện vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hôm 15/3. (Ảnh: Express)
Xét xử kẻ tình nghi tấn công khủng bố ở New Zealand khiến 49 người thiệt mạng: Ngay trong tối 15/3, cảnh sát New Zealand đã công bố kết quả điều tra ban đầu cho thấy nghi phạm người Australia Brenton Tarrant, 28 tuổi là kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch vào chiều cùng ngày.
Kẻ này bị buộc tội giết người và sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 16/3. Theo số liệu mà cảnh sát New Zealand mới cập nhật, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này đã tăng lên 49 người. Có 48 người bị thương được đưa đến bệnh viện điều trị trong đó có 20 người bị thương nặng.
New Zealand đã nâng mức báo động khủng bố lên cao nhất sau vụ tấn công. Thủ tướng Ardern gọi đây là một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand, quốc gia vốn nổi tiếng về sự thanh bình.
Trang Express của Anh xác định Tarrant sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động có thu nhập thấp. Y tới New Zealand để lên kế hoạch và huấn luyện nhóm khủng bố, sau đó ở lại để thực hiện vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.
Tarrant cho biết y lấy cảm hứng thực hiện vụ xả súng từ Andres Breivik, kẻ đã thảm sát 77 người ở Na Uy năm 2011. Y tuyên bố muốn trả thù cho "hàng nghìn người chết" trong các vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui (giữa). (Ảnh: AP)
Triều Tiên dọa ngừng đàm phán với Mỹ, nối lại thử hạt nhân: Ngày 15/3, Triều Tiên đe dọa sẽ tạm dừng đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ sớm quyết định khi nào khôi phục lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Phát biểu với các nhà ngoại giao và các phóng viên nước ngoài tại một buổi họp báo ở Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui cho biết mối quan hệ cá nhân giữa ông Kim và ông Trump "vẫn tốt đẹp và phản ứng của hai người đều tuyệt vời".
Tuy nhiên, bà Choe nhận định Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tạo nên "bầu không khí thù địch và thiếu tin tưởng" khiến các cuộc đàm phán của 2 nhà lãnh đạo ở Hà Nội hồi tháng 2/2019 không được như mong muốn.
Sau khi Hội nghị Thuợng đỉnh ở Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có những quan ngại thực sự về tinh thần của các cuộc đàm phán tiếp theo với ông Trump, bà Choe cho biết.
"Chúng tôi không muốn nhượng bộ Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào và càng không có mong muốn hay kế hoạch để tiến hành một cuộc đàm phán như vậy nữa", AP dẫn lời của Thứ trưởng Triều Tiên.
Bức tường ngăn cách biên giới Mỹ-Mexico nhìn từ Tijuana, bang Baja California, Mexico, ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật ngăn tuyên bố tình trạng khẩn cấp: Ngày 15/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ quyết dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 14/3.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết của mình kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ quan điểm cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, ma túy và buôn lậu vào quốc gia này.
Phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định: “Hôm nay, tôi phủ quyết dự luật này. Quốc hội có quyền tự do thông qua nghị quyết này và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó." Tổng thống Trump cũng cho rằng đây là nghị quyết “nguy hiểm” và “thiếu thận trọn."
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được gửi lại Quốc hội Mỹ và để đảo ngược được quyền phủ quyết của Tổng thống Trump, Quốc hội cần đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ và dự kiến sẽ có đủ lá phiếu cần thiết từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng rằng quyền phủ quyết của ông sẽ không bị đảo ngược.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh: Tass)
Nga phản ứng mạnh khi Mỹ định thử tên lửa bị cấm trong Hiệp ước INF: Ngày 14/3, điện Kremlin đã phản ứng trước việc Lầu Năm Góc quyết định thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất bị cấm trong Hiệp ước INF với cáo buộc Washington đang tìm cách hủy bỏ Hiệp ước này. Trong khi đó, các quan chức Mỹ khẳng định rằng họ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là bởi Nga liên tục vi phạm các điều khoản của Hiệp ước. Hiện cả Moscow và Washington đều đổ lỗi cho nhau về việc đã phá bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung này.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ cáo buộc nào cho rằng chúng tôi không tuân thủ Hiệp ước. Thực tế thì chúng tôi đã thực hiện tất cả các điều khoản, trái lại, qua những bằng chứng và những cuộc tranh luận thì Mỹ mới chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Hiệp ước này", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với báo giới ngày 14/3.
"Chính Mỹ chứ không phải Nga đã vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)", ông Dmitry Peskov nói thêm.
Một số chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng Nga sở hữu các tên lửa vi phạm Hiệp ước, nhưng các nhà phân tích này cũng có những quan điểm trái chiều về việc liệu Mỹ có vi phạm Hiệp ước hay không khi quốc gia này bán các hệ thống tên lửa tương tự cho các nước như Ba Lan và Romania.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Getty)
Toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ đã rời khỏi Venezuela: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/3 cho biết toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ đã rời khỏi Venezuela.
Trước đó, Venezuela cũng lệnh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này trong vòng 72h.
Trong thông báo ngày 14/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình tại các khu vực khác. Theo ông Pompeo, những người này sẽ tiếp tục giúp quản lý các nguồn viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela.
Trước đó, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza ngày 12/3 cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này trong vòng 3 ngày.