Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Trung Quốc ngày 10/5 bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc" sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho biết Bắc Kinh "sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết".
Cả Bộ Thương mại Trung Quốc cũng như đoàn Trung Quốc đang tham gia đàm phán về thương mại với Mỹ ở Washington đã ngay lập tức có phản ứng sau khi quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực kể từ 00h01 ngày 10/5 theo giờ Mỹ (11h01 cùng ngày giờ Việt Nam).
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Mỹ có thể sớm đồng thuận và giải quyết vấn đề thông qua hợp tác và tham vấn.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ chính thức thực thi kế hoạch nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD từ ngày 10/5, đồng thời đe dọa sẽ xúc tiến áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu giám sát cuộc duyệt binh. (Ảnh: Reuters)
Nước Nga diễu binh kỷ niệm 74 năm ngày Chiến thắng: Đúng 10h sáng (theo giờ địa phương), tức 2 giờ chiều 9/5 (theo giờ Hà Nội), tại thủ đô Moscow, nước Nga long trọng tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 74 năm Ngày Chiến thắng phát xít (9/5/1945 – 9/5/2019) tại Quảng trưởng Đỏ, để “vinh danh chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945”.
Đã thành truyền thống hàng năm kể từ năm 1996, vào ngày 9/5 hàng năm, nước Nga mở màn cho hoạt động kỷ niệm Chiến thắng chủ nghĩa phát xít bằng lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Năm nay, lễ diễu binh diễn ra dưới sự chỉ huy của Tư lệnh lục quân Nga Oleg Salyukov.
Tham gia lễ diễu binh có hơn 13.000 quân nhân từ 35 Khối quân nhân, cùng khoảng 200 xe cơ giới, khí tài quân sự. Trong đó, các loại vũ khí được chú ý nhất là Pháo tự hành 2S19M – một trong những hệ thống pháo hiện đại nhất của Lực quân Nga, xe tăng chủ lực T-14 Armata, xe phóng đạn thuộc tổ hợp phòng không tầm xa S-400, các tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pantsir S1. Do điều kiện thời tiết xấu, lễ diễu binh kỷ niệm chính thức hôm nay đã phải hủy màn trình diễn bay của phi đội máy bay chiến đấu Su-34, Su 30 và Su-35S.
Một hệ thống phòng thủ tên lửa được bắn về phía biển Nhật Bản trong cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí của Triều Tiên hôm 4/5. (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên tiếp tục phóng các vật thể bay không xác định: Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên ngày 9/5 đã phóng một số vật thể bay chưa được xác định. Thông cáo nêu rõ, vụ phóng được thực hiện từ khu vực phía Tây Bắc Triều Tiên lúc khoảng 16h30 giờ địa phương (tức đầu giờ chiều 9/5 theo giờ Hà Nội) theo hướng phía Đông.
Các vật thể bay này di chuyển với quãng đường khoảng 420 km và 270 km, đạt độ cao 45 km đến 50 km. Hiện Mỹ và Nhật Bản khẳng định các vụ phóng trong ngày 9/5 của Triều Tiên bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo, song phía Hàn Quốc chưa xác nhận thông tin này.
Hồi cuối tuần trước, Triều Tiên cũng tiến hành phóng một số vật thể bay tầm ngắn và tiến hành thử vũ khí mới dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong Un. Chính quyền Triều Tiên khẳng định, vụ thử này nằm trong hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên và mang mục đích phòng vệ.
Vụ phóng mới nhất ngày 9/5 diễn ra trong bối cảnh các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến hành họp 3 bên thường niên tại thủ đô Seoul.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội Anh ở London ngày 1/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh cam kết từ chức sau giai đoạn một của tiến trình Brexit: Ngày 8/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Thủ tướng May cam kết từ chức sau khi bà hoàn thành "giai đoạn một" của tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, để mở đường cho một nhà lãnh đạo mới đàm phán giai đoạn thứ hai.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn trên cho rằng Thủ tướng May đang đứng trước sức ép phải rời nhiệm sở sớm hơn kế hoạch khi ngày càng có nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền của bà chỉ trích cách bà May xử lý vấn đề Brexit và tuyên bố đảng này sẽ phải có một cách tiếp cận mới.
Người phát ngôn của Thủ tướng May khẳng định đó là thời gian biểu mà bà May đang hướng đến, đồng thời cho biết bà mong muốn hoàn thành việc đưa Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU.
Người Hồi giáo ăn chay mỗi ngày trong suốt tháng lễ Ramadan. (Ảnh: The National)
Bắt đầu Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo năm 2019: Người Hồi giáo tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và hầu hết các quốc gia tại Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Iraq và Saudi Arabia bắt đầu tháng lễ ăn chay Ramadan kể từ ngày 6/5, tuy nhiên, hàng triệu tín đồ Hồi giáo khác tại Ấn Độ, Pakistan và Iran sẽ bắt đầu tháng ăn chay âm lịch vào ngày 7/5 do chu kỳ Mặt Trăng.
Người Hồi giáo sử dụng lịch Mặt Trăng và dựa vào thời điểm Mặt Trăng mọc và lặn nên dẫn tới một số quốc gia khác nhau bắt đầu tháng lễ Ramadan lệch nhau một hoặc hai ngày.
Trên khắp thế giới, người Hồi giáo ăn chay mỗi ngày trong suốt tháng lễ Ramadan, không dùng thức ăn từ bình minh đến chập tối. Điều này có nghĩa người Hồi giáo sẽ không ăn, hút thuốc... trong suốt 15 giờ liên tục của mỗi ngày trong tháng lễ.
Vào ban ngày, tín đồ Hồi giáo phải tránh xa tình dục, khẩu nghiệt và sự báng bổ, khuyến khích tập trung vào suy ngẫm như cầu nguyện, đọc kinh Quran và bao dung.
Người biểu tình "Áo vàng" đốt các rào chắn trên đại lộ Champs-Elysees tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 16/3/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biểu tình của phe "Áo vàng" ở Pháp biến thành bạo động: Ngày 11/5, các cuộc biểu tình "Áo vàng" diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp trong tuần thứ 26 liên tiếp nhằm phản đối các chính sách kinh tế mà Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra.
Tại thành phố Nantes, cảnh sát đã phải can thiệp sau khi cuộc biểu tình biến thành bạo động. Theo các nguồn tin, những người biểu tình đội mũ trùm đầu màu đen đã ném chai lọ và đập phá cửa sổ nhiều cửa hàng. Cảnh sát đã buộc phải dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng nhằm giải tán đám đông biểu tình. Trong khi đó, tại thành phố Lyon, cảnh sát cũng đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát tình hình an ninh trật tự.
Còn tại thủ đô Paris, chỉ có vài trăm người tham gia các cuộc biểu tình “Áo vàng”. Thông báo cho biết chỉ có khoảng 2.700 người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, tiếp tục giảm so với con số 3.600 người hồi tuần trước. Bộ Nội vụ Pháp khẳng định, dù số lượng người tham gia không còn nhiều như những tuần trước nhưng các lực lượng an ninh vẫn tăng cường các biện pháp bảo vệ.
Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: AFP)
Trung Quốc chính thức buộc tội cựu Chủ tịch Interpol: Ngày 10/5, các công tố viên Trung Quốc đã chính thức buộc tội cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ với cáo buộc lạm quyền và nhận hối lộ.
Theo hãng tin Reuters, ông Mạnh Hoành Vĩ bị cáo buộc lạm dụng chức quyền trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ công an và Cục trưởng Cục cảnh sát biển Trung Quốc. Cựu Chủ tịch Interpol đồng thời bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lớn. Các cáo buộc trên được đưa ra tại một tòa án tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, ông Mạnh Hoành Vĩ đã bị khai trừ khỏi Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (CPPCC - Chính Hiệp) - cơ quan cố vấn chính trị cấp cao của Trung Quốc. Tiếp đó, đến tháng 3 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã khai trừ ông Mạnh Hoành Vĩ khỏi Đảng.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Nga cháy rụi phần đuôi sau khi gặp sự cố hôm 5/5. (Ảnh: AP)
Máy bay Nga bốc cháy khiến 41 người thiệt mạng: Chiếc Superjet 100 hôm 5/5 khởi hành từ sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moskva tới thành phố Murmansk, nhưng quay đầu chỉ 28 phút sau khi cất cánh do tổ lái thông báo có tình huống khẩn cấp. Máy bay va chạm mạnh với đường băng khi tiếp đất và bốc cháy, khiến 41 trong 78 người trên khoang thiệt mạng.
Các nhà điều tra Nga đã đặt ra các giả thiết khác nhau về nguyên nhân tai nạn của máy bay SSJ-100 như, sai lầm của phi công và kiểm soát viên mặt đất, thời tiết xấu, trục trặc kỹ thuật.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. (Ảnh: CNN)
Venezuela bắt giữ nhiều đối tượng liên quan âm mưu đảo chính bất thành: Chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro những ngày qua tăng cường trấn áp các đối tượng đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành tại nước này hôm 30/4, với việc bắt giữ nhân vật “cánh tay phải” của thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
Tòa án Tối cao Venezuela đã buộc tội và ra lệnh bắt giữ 3 nghị sĩ của phe đối lập, với các tội danh phản quốc, âm mưu đảo chính và kích động nổi loạn. Như vậy, tới nay đã có 10 nghị sĩ đối lập bị buộc tội do tham gia cuộc đảo chính. Một trong số 10 nghị sĩ này, có ông Edgar Zambrano, cánh tay phải của thủ lĩnh đối lập lập Juan Guaido và là phó Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Trong một phản ứng mới nhất, Đại sứ quán Mỹ tại Caracas yêu cầu chính quyền Venezuela thả tự do ngay lập tức cho ông Zambrano, nếu không sẽ phải hứng chịu các hậu quả. Cùng với những nước Argentina, Colombia, Chile và Peru, Mỹ là một trong những nước đầu tiên công khai ủng hộ nhân vật đối lập Juan Guaido.
Ông Stevo Pendarovski đắc cử tổng thống tại Bắc Macedonia. (Ảnh: The Globe and Mail)
Ứng cử viên S. Pendravoski đắc cử tổng thống tại Bắc Macedonia: Ứng cử viên Stevo Pendarovski đã chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống tại Bắc Macedonia, diễn ra ngày 5/5. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Pendarovski giành được gần 52% phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ của ông, ứng cử viên Gordana Siljanovska-Davkova thuộc liên minh Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - đảng Dân chủ Đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE) được 44,7%.
Bà Gordana Siljanovska-Davkova đã thừa nhận thất bại. Người đứng đầu Ủy ban bầu cử nhà nước (SEC) Oliver Derkovski tối 5/5 cho biết ông Pendarovski là ứng cử viên chung của liên minh cầm quyền gồm đảng Liên minh Dân chủ xã hội (SDSM) và đảng Liên minh dân chủ vì hội nhập (DUI).
Phát biểu sau khi đảng của ông thông báo chiến thắng, ông Pendarovski cho biết: "Tôi sẽ là tổng thống của toàn dân, quản lý chính phủ trong mọi dự án quan trọng, và sẽ làm việc vì lợi ích của nhân dân."