Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)
Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh đình chỉ Hiệp ước INF: Ngày 4/3, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ.
Theo đó, Tổng thống Putin đã ra lệnh đình chỉ hiệp ước này cho đến khi Washington ngừng những hành động vi phạm INF. Ông Putin cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Nga thông báo với Mỹ về quyết định trên của Moskva.
Những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, một hiệp ước quan trọng thời Chiến tranh Lạnh, với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển một hệ thống tên lửa mới.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Chủ tịch Kim duyệt đội danh dự sau khi xuống tàu. (Ảnh: KCNA)
Chủ tịch Kim Jong-un trở về Bình Nhưỡng sau chuyến thăm thành công tới Việt Nam: Ngày 5/3, Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã về tới Ga Bình Nhưỡng vào khoảng 3h giờ địa phương (tức 1h giờ Việt Nam) cùng ngày sau khi “kết thúc thành công" chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un đã không dừng tại ga Bắc Kinh mà chọn đường ngắn nhất trở về Bình Nhưỡng sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, theo đó thời gian di chuyển của đoàn tàu trên lãnh thổ Trung Quốc nhanh hơn so với khi tới Việt Nam.
Trước đó ngày 2/3, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông kể từ khi lên vị trí Lãnh đạo tối cao tại Triều Tiên vào năm 2011. Chuyến thăm cũng ghi dấu mốc quan trọng khi ông là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên thăm chính thức Việt Nam trong 61 năm qua, kể từ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1958.
(Ảnh: BBC)
Chính phủ Anh khẳng định vẫn bỏ phiếu về Brexit lần 2 đúng hạn: Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng nước này khẳng định Anh vẫn sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit lần 2 theo đúng kế hoạch vào ngày 12/3 tới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về những nội dung sửa đổi trong thỏa thuận Brexit vẫn chưa có tiến triển.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 tới, nếu Quốc hội Anh vẫn không thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi của Thủ tướng May thì chính phủ Anh sẽ yêu cầu các nghị sỹ bỏ phiếu lựa chọn giữa "Brexit không thỏa thuận" hoặc gia hạn lùi ngày Anh rời EU.
Để tránh kịch bản xấu có thể xảy ra, từ nay đến trước ngày bỏ phiếu, Thủ tướng May sẽ nỗ lực tối đa để thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ bà. Theo quy định, Chính phủ Anh sẽ phải in thỏa thuận Brexit sửa đổi để đưa cho các nghị sỹ nghiên cứu một ngày trước khi tiến hành bỏ phiếu. Một số thành viên Nội các Anh tỏ ra bi quan về triển vọng lần bỏ phiếu tới.
Lãnh đạo đảng Thai Raksa Chart, ông Preechaphol Pongpanit, phát biểu với báo giới tại trụ sở đảng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 12/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa án Thái Lan giải thể đảng đề cử công chúa ra tranh cử thủ tướng: Ngày 7/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết giải thể đảng Thai Raska Chart do đảng này đề cử Công chúa Ubolratana tham gia tranh cử chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/3 tới.
Trong một tuyên bố, thẩm phán Twekiat Menakanist xác nhận quyết định giải thể đảng Thai Raska Chart và cấm các lãnh đạo đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 10 năm.
Xứ sở chùa Vàng chưa có một thủ tướng nào xuất thân Hoàng gia kể từ khi nước này thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Luật bầu cử của Thái Lan cấm các đảng lợi dụng hoàng gia trong các chiến dịch tranh cử. Do đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cáo buộc đảng Thai Raska Chart đã vi phạm luật bầu cử khi đề cử Công chúa Ubolratana làm ứng cử viên thủ tướng, hành động mà ủy ban này cho là "đối nghịch với chế độ quân chủ lập hiến."
Huawei chính thức kiện chính phủ Mỹ. (Ảnh: AFP)
Huawei chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ: Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ngày 6/3 đã chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ lên một tòa án ở Texas.
Đơn kiện của tập đoàn Huawei thách thức tính hợp hiến của một số điều khoản thuộc Đạo luật cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia của Mỹ được Tổng thống Donald Trump ký năm 2018. Theo Huawei, đạo luật này giới hạn các cơ quan liên bang giao thương với tập đoàn này cũng như 1 tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE. Đạo luật này cũng cấm việc mua thiết bị sử dụng công cụ của các công ty Trung Quốc.
Tập đoàn Huawei cáo buộc rằng đạo luật đã vi phạm việc phân chia quyền lực giữa quốc hội và các nhánh của chính phủ Mỹ. Nhà Trắng đã chuyển vụ kiện tới bộ Tư pháp Mỹ và cơ quan này hiện chưa có bình luận nào về vụ việc.
Trước đó, ngày 3/3, công ty luật Gudmundseth Mickelson LLP - đại diện cho bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc thông báo bà Mạnh đã gửi đơn lên Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia khởi kiện Chính phủ Canada, Cơ quan dịch vụ biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada, cáo buộc các cơ quan này đã vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp khi bắt giữ bà tại sân bay quốc tế Vancouver hôm 1/12/2018.
Quân nhân Mỹ và Hàn Quốc. (Ảnh: Army)
Hàn Quốc và Mỹ ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự: Hàn Quốc và Mỹ hôm 8/3 ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự. Theo đó, Hàn Quốc tăng đóng góp tài chính cho triển khai quân đội Mỹ tại quốc gia này.
Lễ ký kết diễn ra tại thủ đô Seoul giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris. Hiện thỏa thuận này vẫn cần Quốc hội Hàn Quốc thông qua.
Sau nhiều vòng đàm phán thất bại, người đứng đầu đoàn đàm phán hai nước tháng trước đã nhất trí Hàn Quốc phải trả 924 triệu USD cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trong năm 2019, tăng so với mức 830 triệu USD vào năm 2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã nhiều lần gây sức ép lên Hàn Quốc cần phải tăng chia sẻ chi phí quân sự. Điều này làm gia tăng lo ngại tại Hàn Quốc rằng Mỹ có thể rút một phần trong tổng 28.500 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, nếu Hàn Quốc từ chối chấp nhận yêu cầu của Mỹ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Canada bác bỏ cáo buộc can thiệp chính trị trong vụ bê bối SNC-Lavalin: Tại cuộc họp báo ở thủ đô Ottawa ngày 7/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thừa nhận để xảy ra sai sót trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại liên quan tới cáo buộc chính phủ can thiệp vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin, song khẳng định không có bất kỳ vấn đề nào vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã không nhận ra tình trạng niềm tin bị suy giảm giữa Văn phòng Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould sau mùa Thu 2018 và thừa nhận đáng ra ông phải nhận thấy điều này.
Tuy nhiên, ông khẳng định không có sự vi phạm pháp luật hay tính toàn vẹn của các thể chế. Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau cũng phủ nhận những cáo buộc can thiệp chính trị "mang tính đảng phái" vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin đang khiến chính trường Canada rơi vào khủng hoảng tồi tệ.
Sóng gió đã nổi lên trên chính trường Canada sau khi báo Globe and Mail dẫn nguồn tin giấu tên cho hay người từng đứng đầu Bộ Tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau để không truy tố hình sự SNC-Lavalin. Tập đoàn có trụ sở tại Montreal này bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya trong giai đoạn 2001 - 2011 để đổi lấy các hợp đồng. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa.
Một đoàn tàu tốc hành Samjhauta. (Ảnh minh họa: IANS)
Ấn Độ và Pakistan nối lại dịch vụ đường sắt xuyên biên giới: Ấn Độ và Pakistan ngày 4/3 đã nối lại dịch vụ đường sắt xuyên biên giới, vốn bị đình chỉ do những căng thẳng trong quan hệ thời gian gần đây.
Giới chức Ấn Độ cho biết, dịch vụ tàu tốc hành Samjhauta khởi hành trong sáng 4/3 từ thành phố Lahore, Pakistan đã cập bến nhà ga Attari, Ấn Độ vào trưa cùng ngày (giờ địa phương). Trước đó, giới chức Ấn Độ cuối tuần qua cho biết, Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí nối lại dịch vụ đường sắt.
Về phía Pakistan, truyền thông nước này cho biết, tàu tốc hành Samjhauta chở theo 150 hành khách đã rời nhà ga ở Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab để tới Ấn Độ trong ngày 4/3. Thông tin dịch vụ đường sắt xuyên biên giới được nối lại đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của người dân hai nước.
Ông Martin Kriener. (Ảnh: Reuters)
Venezuela trục xuất Đại sứ Đức vì "can thiệp công việc nội bộ": Ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Venezuela đã quyết định trục xuất Đại sứ Đức tại nước này, ông Martin Kriener, với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Caracas. Đại sứ Martin Kriener sẽ có 48 giờ để rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này.
Chính phủ Venezuela đưa ra quyết định trên một ngày sau khi Đại sứ Kriener cùng một số nhà đại diện ngoại giao khác ra sân bay đón thủ lĩnh đối lập Juan Guaido về nước sau chuyến công du Nam Mỹ 10 ngày.
Trong phản ứng ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố khẳng định quyết định trục xuất Đại sứ Kriener là hành động “không thể hiểu nổi” và chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.
Phát biểu với các nghị sỹ đối lập ở Venezuela, ông Guaido cũng phản đối việc trục xuất Đại sứ Kriener.
Cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump - Paul Manafort đã bị tuyên án 47 tháng tù. (Ảnh: CNN)
Cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump lĩnh án 47 tháng tù: Ngày 7/3, cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump - Paul Manafort đã bị tuyên án 47 tháng tù.
8 tội danh mà ông Manafort bị tuyên án ngày 7/3 gồm có 5 tội danh liên quan đến gian lận thuế từ năm 2010 đến suốt năm 2014, che giấu các tài khoản ngân hàng ngước ngoài khỏi các nhà chức trách liên bang năm 2012 và lừa đảo 2 ngân hàng hơn 4 triệu USD.
Ông Manafort, 69 tuổi, sẽ phải bồi thường ít nhất 6 triệu USD và con số này có thể lên tới 25 triệu USD. Ông cũng phải trả khoản tiền phạt 50.000 USD và chịu 3 năm giám sát sau khi ra tù.
Ngoài ra, ông Manafort sẽ nhận bản án thứ hai vào tuần sau từ thẩm phán liên bang ở Washington cho 2 tội danh ông đã khai nhận vào năm 2018. Đó là thông đồng trong việc vận động hành lang bất hợp pháp ở Ukraine và rửa tiền.