Triều Tiên phóng một loạt tên lửa ra biển: Theo Văn phòng tham mưu liên quân Hàn Quốc, Triều Tiên sáng sớm ngày 26/8 bắn một loạt tên lửa tầm ngắn từ tỉnh Kangwon ra ngoài bờ biển phía Đông. Các tên lửa bay được khoảng 250 km theo hướng Đông Bắc rồi rơi xuống biển.
Mỹ cũng thông báo Triều Tiên đã phóng ba tên lửa tầm ngắn nhưng đều thất bại, vụ phóng không đặt ra đe dọa với đảo Guam hay Bắc Mỹ. "Tên lửa đầu tiên và thứ ba gặp vấn đề khi đang bay. Tên lửa thứ hai đã nổ gần như ngay lập tức sau khi rời bệ phóng".
Ngay lập tức Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những phản ứng. (Ảnh: Vụ phóng tên lửa hôm 28/7 của Triều Tiên, do truyền thông Triều Tiên công bố).
Ông Trump tuyên bố Mỹ tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan: Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc tối 21/8 giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump khẳng định mục tiêu của chiến lược mới đối với Afghanistan là ngăn chặn việc các tay súng Hồi giáo cực đoan biến nước này thành nơi trú ẩn an toàn, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ. Ông Trump cam kết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Afghanistan.
Mặc dù Tổng thống Mỹ không tiết lộ số binh sĩ dự kiến bổ sung tới Afghanistan. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề xuất kế hoạch gửi 4.000 quân, giúp tăng gấp rưỡi quy mô lính Mỹ so với mức 8.400 binh sĩ đang triển khai tại quốc gia này. (Ảnh: Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược đối với cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Nguồn: Reuters)
Tòa án Tối cao Thái Lan ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck: Sáng 25/8, Tòa án Tối cao Thái Lan ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì đã không đến hầu tòa sáng cùng ngày và hoãn phiên tòa đến ngày 25/9. Dù trước đó luật sư của bà thông báo lý do vắng mặt tại tòa là vì bị đau tai và xin hoãn xét xử.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận từ một cựu thành viên đảng Vì nước Thái cho biết, bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan.
Trang tin Khaosod của Thái Lan chiều 25/8 đưa tin, bà Yingluck và con trai 15 tuổi đã đi bằng đường bộ qua Campuchia từ hôm 23/8. Từ đây, hai người đã đáp máy bay sang Singapore rồi di chuyển bằng đường hàng không tới Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi người anh trai Thaksin Shinawatra được cho là đang cư trú. (Ảnh: Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nguồn: Reuters)
Phó Chủ tịch Samsung bị tuyên phạt 5 năm tù: Tòa án Quận trung tâm Seoul ngày 25/8 tuyên xử Phó chủ tịch tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc Samsung, ông Lee Jae-yong 5 năm tù giam về tội đưa hối lộ và một số tội danh khác trong vụ án liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Mức án này thấp hơn nhiều so với đề nghị 12 năm của các công tố viên.
Ông Lee năm nay 49 tuổi, là con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Group - Lee Kun-hee và được coi là người thừa kế đế chế này sau khi cha mình qua đời. Ông bị bắt giữ từ tháng 2 năm nay. (Ảnh: Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong tại tòa án ở Seoul ngày 25/8. Nguồn: Reuters)
Tổng thống Putin chính thức chọn tân đại sứ Nga tại Mỹ: Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/8 bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Anatoly Antonov làm đại sứ Nga tại Mỹ, thay thế ông Sergei Kislyak, đã hết nhiệm kì hồi tháng 7 vừa qua.
Ông Antonov tốt nghiệp Học viện quan hệ quốc tế Moscow, là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm. Ra trường, ông đã thăng tiến nhanh chóng và vươn tới chức vụ trưởng phòng về các vấn đề an ninh và cắt giảm vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga vào năm 2004. (Ảnh: Ông Anatoly Antonov đã từng làm lãnh đạo ở cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga. Nguồn: Reuters).
Mỹ dừng cấp thị thực không định cư cho công dân Nga: Đại sứ quán Mỹ tại Nga ngày 21/8 thông báo việc cấp thị thực không định cư cho công dân Nga mong muốn du lịch, làm việc tại Mỹ trong thời gian ngắn sẽ tạm thời bị ngưng kể từ 23/8 tại toàn bộ cơ sở ngoại giao Mỹ tại Nga.
Hoạt động này chỉ được nối lại vào ngày 1/9 tại Moscow song với “quy mô giảm đi rất nhiều”. Trong khi đó, việc cấp thị thực tại lãnh sự ở các thành phố khác bị đình chỉ vô hạn định. Điều đó có nghĩa công dân Nga muốn tới Mỹ du lịch từ nay chỉ có thể xin thị thực tại thủ đô.
Đây là diễn biến mới nhất trong loạt động thái ăn miếng trả miếng giữa Nga và Mỹ thời gian qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/7 yêu cầu Mỹ giảm 755 nhân viên ngoại giao, xuống còn 455 người, tương đương với số nhân viên ngoại giao của Nga ở Mỹ, sau khi Mỹ thông qua đạo luật siết chặt trừng phạt Moscow. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, Nga. Nguồn: Press TV)
Chiến hạm Mỹ va chạm tàu dầu gần Singapore, 10 người mất tích: 10 thủ thủ mất tích và 5 người khác bị thương sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John McCain va chạm tàu chở dầu Alnic MC vào khoảng 5h43 (theo giờ Singapore) ngày 21/8 ở phía Đông Singapore và eo biển Malacca.
Hải quân Mỹ cho biết theo những báo cáo ban đầu, tàu USS John McCain bị hư hại nặng ở bên phía đuôi tàu và được 2 tàu chiến khác của Mỹ hộ tống về Căn cứ Hải quân Changi của Singapore.
Trong khi đó, một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Alnic MC chở 12.000 tấn dầu cho biết, không có hiện tượng tràn dầu trên chiếc tàu mang cờ Liberia có chiều dài 183m.
USS John McCain thuộc biên chế Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đồn trú tại căn cứ Hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Ngay sau tai nạn trên, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin ngày 23/8 đã bị cho thôi việc. (Ảnh: Phần đuôi tàu USS John McCain bị hư hại nghiêm trọng. Nguồn: Reuters)
Nghi phạm vụ lao xe ở Barcelona bị tiêu diệt: Nhà chức trách Tây Ban Nha ngày 21/8 cho biết, Younes Abouyaaqoub, nghi phạm chính trong vụ tấn công lao xe ở Barcelona đã bị bắt tại Sant Sadurni de Noya, phía Tây Barcelona. Tuy nhiên sau đó cảnh sát xác nhận đã tiêu diệt kẻ này.
Abouyaaqoub được xác định là một trong 12 thành viên của nhóm khủng bố tiến hành liên tiếp hai vụ tấn công ở Catalonia ngày 17 và 18/8 khiến 15 người chết, hơn 100 người bị thương. Một cuộc truy bắt y trên toàn châu Âu đã được tiến hành trước đó. (Ảnh: Chân dung tên Younes Abouyaaqoub, kẻ lái xe đâm vào người đi bộ ở Barcelona ngày 17/8. Nguồn: La Vanguardia).
Biểu tình biến thành bạo động ở Ấn Độ, 22 người chết: Ngày 25/8, ít nhất 22 người chết, hơn 200 người bị thương khi biểu tình biến thành bạo động tại 2 bang miền Bắc của Ấn Độ là Haryana và Punjab, sau khi nhà lãnh đạo tôn giáo Ram Rahim Singh bị kết tội hiếp dâm 2 môn đồ của ông.
Nhà chức trách Ấn Độ ước tính, có khoảng 200.000 tín đồ ủng hộ ông Ram Rahim Singh đã tới thành phố Panchkula trước khi tòa án ra phán quyết, tấn công nhà ga, trạm xăng, phá hủy mạng lưới đường dây điện, đốt phá nhiều ô tô.
Hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát và lực lượng bán quân sự được huy động sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp người biểu tình quá khích nhằm giữ gìn trật tự. (Ảnh: Cảnh bạo động ở miền Bắc Ấn Độ. Nguồn: AFP).
Qatar bác yêu cầu từ 4 nước Arab, khôi phục quan hệ với Iran: Qatar khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iran, thách thức các yêu cầu của các nước Arab muốn cô lập quốc gia giàu dầu mỏ này.
“Đại sứ Qatar tại Iran sẽ trở lại nước này để đảm nhiệm công việc ngoại giao”, AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Qatar ngày 24/8 cho biết. Qatar mong muốn “cải thiện quan hệ song phương với Cộng hòa Hồi giáo Iran trong mọi lĩnh vực”.
Hồi năm 2016, Qatar đã rút đại sứ tại Tehran về nước sau khi các nhân viên ngoại giao của Saudi Arabia bị tấn công ở Iran. Vụ việc liên quan tới câu chuyện Saudi Arabia xử tử một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.
Hồi tháng 5 năm nay, Qatar đã bị bốn nước gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với cáo buộc Doha bảo trợ khủng bố, và không hài lòng về việc Qatar duy trì mối quan hệ tốt với Iran - đối trọng của Saudi Arabia. (Ảnh: Thủ đô Doha, Qatar. Nguồn: Reuters)