Thế giới nổi bật trong tuần: Ethiopia gửi hộp đen máy bay chở 157 người rơi tới Pháp để phân tích

(Baohatinh.vn) - Ethiopia gửi hộp đen của máy bay chở 157 người rơi tới Pháp để phân tích; Bị cáo người Indonesia trong vụ sát hại Kim Chol được trả tự do... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 10/3 - 16/3/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Một máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines. (Ảnh: Airlines)

Ethiopia gửi hộp đen của máy bay chở 157 người rơi tới Pháp để phân tích: Ethiopia hôm 13/3 đã chuyển các hộp đen tới Pháp, sau khi giới chức nước này cho biết không đủ các điều kiện để phân tích dữ liệu của hộp đen.

Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp cho biết, dữ liệu từ chiếc hộp đen ghi giọng nói trong buồng lái của chiếc máy bay Ethiopia gặp nạn hôm 10/3 đã được tải xuống thành công. Cơ quan này cho biết đã không nghe các file âm thanh được tải xuống và dữ liệu đã được chuyển cho các nhà điều tra của Ethiopia.

Ngày 10/3, chuyến bay mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã đâm xuống một cánh đồng cách thành phố Addis Ababa khoảng 60km về phía Đông Nam, chỉ vài phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo các nhân chứng, máy bay đã bốc cháy khi đâm xuống mặt đất. Máy bay gặp nạn là Boeing 737 MAX 8 hoàn toàn mới. Đây cũng là loại máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã gặp nạn hồi tháng 10 vừa qua khi rơi chỉ sau 13 phút cất cánh khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Siti Aisyah có quốc tịch Indonesia mỉm cười sau khi rời khỏi tòa án cấp cao Shah Alam tại Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP)

Bị cáo người Indonesia trong vụ sát hại Kim Chol được trả tự do: Trong phiên tòa sáng 11/3, thẩm phán tòa án Malaysia tuyên bố đã chấp thuận đề nghị của phía công tổ viên rút lại cáo buộc giết người đối với bị cáo người Indonesia Siti Aisyah trong vụ án công dân Triều Tiên có tên Kim Chol bị sát hại tại Malaysia năm 2017. Theo đó, cô Siti Aisyah đã được trả tự do. Các công tố viên không nêu lý do rút lại cáo buộc đối với Siti Aisyah.

Tuy nhiên, công tố viên Malaysia từ chối đề nghị phóng thích Đoàn Thị Hương. "Liên quan đến việc những người đại diện đệ trình lên ngài Bộ trưởng Tư pháp hôm 11/3, chúng tôi đã nhận được lệnh tiếp tục vụ án", trưởng công tố Malaysia Muhammad Iskandar Ahmad nói tại Tòa án Tối cao Shah Alam ở ngoại ô Kuala Lumpur trong phiên tòa biện hộ đối với Đoàn Thị Hương hôm 14/5, theo AFP.

Sau khi công tố viên thông báo quyết định, Hương khóc nức nở. Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết ông rất thất vọng vì tòa án Malaysia không trả tự do cho Hương. "Chúng tôi sẽ yêu cầu Malaysia phải công bằng và thả cô ấy càng sớm càng tốt", đại sứ cho hay.

Hương và Siti Aisyah, người Indonesia, bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX sát hại ông Kim Chol tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur tháng 2/2017. Hương và Aisyah đều phủ nhận cáo buộc, khẳng định họ bị lừa tham gia một chương trình thực tế có camera giấu kín.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có tên trong danh sách "các thiên đường trốn thuế". (Ảnh: Reuters)

EU bổ sung 10 quốc gia vào danh sách "các thiên đường trốn thuế: Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung 10 cái tên mới vào danh sách "các thiên đường trốn thuế", trong đó có các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh và Hà Lan.

Danh sách các quốc gia bị liệt vào "danh sách đen" này bao gồm đảo Aruba của Hà Lan, Barbados, Belize, vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh, Fiji, quẩn đảo Marshall, Oman, UAE, Vanuatu và Dominica.

Bản danh sách hiện tại chỉ bao gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Samoa, Trinidad and Tobago cùng với ba vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam, và quần đảo Virgin.

Danh sách các "thiên đường trốn thuế" bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 10/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên công bố kết quả bầu cử Quốc hội: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/3 công bố kết quả bầu cử Quốc hội nước này, theo đó em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong đã trúng cử.

Theo KCNA, bà Kim Yo-jong, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên truyền Đảng Lao động Triều Tiên có trong danh sách 687 đại biểu trúng cử trong cuộc bầu cử Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) khóa 14 vào cuối tuần qua.

KCNA cũng cho biết 99,99% cử tri đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử và tất cả các đại biểu trúng cử đều nhận được 100% phiếu bầu.

Cuộc bầu cử Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 14 được tổ chức ngày 10/3 vừa qua, trong đó cử tri đi bỏ phiếu bầu các đại biểu khóa mới với nhiệm kỳ 5 năm, thay thế các đại biểu đương nhiệm được bầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 3/2014.

KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tham gia bầu cử tại điểm bỏ phiếu ở Đại học Công nghệ Kim Chaek, thủ đô Bình Nhưỡng. Cuộc bầu cử được xem là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm củng cố khối đoàn kết quốc gia.

Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bê bối tuyển sinh đại học gây rúng động nước Mỹ: Hãng tin NBC News ngày 13/3 dẫn lời của William Singer, đối tượng cầm đầu đường dây chạy suất vào đại học trị giá 25 triệu USD, cho biết đã "giúp" 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ."

Các nhà điều tra cho biết các bậc cha mẹ đã trả cho William Singer từ 200.000 đến 6,5 triệu USD, tùy từng trường hợp và từng trường đại học học mà các gia đình này nhắm đến, để tăng cơ hội cho con cái họ vào các trường như đại học uy tín thông qua việc trả tiền cho người làm bài kiểm tra hộ, mua chuộc các quản trị viên kiểm tra và các huấn luyện viên của một số trường đại học này.

Chiến dịch mang tên "Varsity Blues" do cảnh sát Mỹ phát động đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các giám đốc điều hành (CEO), nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học... tại Mỹ đã "đi đêm" để chạy suất cho con họ vào các trường đại học hàng đầu như Yale, Stanford, Georgetown hay Nam California.

Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ.

Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này.

Hạ viện Anh lùi thời hạn Brexit, sẽ bỏ phiếu lần 3 về thoả thuận với EU. (Ảnh: Reuters)

Hạ viện Anh lùi thời hạn Brexit, sẽ bỏ phiếu lần 3 về thoả thuận với EU: Trong ngày 14/3, các nghị sĩ Anh đã bác bỏ kịch bản tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, đồng thời chấp nhận yêu cầu tạm lùi thời hạn thực thi Brexit đến 30/6.

Tuy nhiên, để có thể lùi thời hạn thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019, các nghị sĩ Anh cũng đã phải đồng ý với điều kiện do Thủ tướng Theresa May đưa ra là từ nay cho đến ngày 20/3/2019 phải tiến hành một phiên bỏ phiếu lần thứ 3 về thoả thuận Brexit mà chính phủ của bà May đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018 và đã hai lần bị chính Hạ viện Anh bác bỏ, trong đó lần mới nhất là vào ngày 12/3.

Việc Hạ viện Anh đồng ý tiến hành phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit là một thắng lợi quan trọng đối với bà May bởi giới phân tích đánh giá, khác với hai lần bỏ phiếu thất bại trước, hiện tại bà May đang bắt đầu tập hợp được các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Tuy nhiên, sự phức tạp không chỉ dừng lại bên phía Anh. Ngay trong tối 14/3, các lãnh đạo cấp cao của EU đã tuyên bố việc nước Anh xin tạm hoãn thời điểm thực thi Brexit đến cuối tháng 6/2019 phải được 27 nước thành viên EU đồng thuận thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 22-23/3 tới tại Brussels.

Bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico nhìn từ Tijuana, bang Baja California, Mexico, ngày 14/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật ngăn tuyên bố tình trạng khẩn cấp: Ngày 15/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ quyết dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 14/3.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết của mình kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ quan điểm cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, ma túy và buôn lậu vào quốc gia này.

Phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định: “Hôm nay, tôi phủ quyết dự luật này. Quốc hội có quyền tự do thông qua nghị quyết này và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó." Tổng thống Trump cũng cho rằng đây là nghị quyết “nguy hiểm” và “thiếu thận trọn."

Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được gửi lại Quốc hội Mỹ và để đảo ngược được quyền phủ quyết của Tổng thống Trump, Quốc hội cần đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ và dự kiến sẽ có đủ lá phiếu cần thiết từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng rằng quyền phủ quyết của ông sẽ không bị đảo ngược.

Brenton Tarrant đăng video trực tiếp lên mạng trước khi thực hiện vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hôm 15/3. (Ảnh: Express)

Vụ khủng bố rúng động New Zealand: Ngay trong tối 15/3, cảnh sát New Zealand đã công bố kết quả điều tra ban đầu cho thấy nghi phạm người Australia Brenton Tarrant, 28 tuổi là kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch vào chiều cùng ngày.

Kẻ này bị buộc tội giết người và sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 16/3. Theo số liệu mà cảnh sát New Zealand mới cập nhật, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này đã tăng lên 50 người.

New Zealand đã nâng mức báo động khủng bố lên cao nhất sau vụ tấn công. Thủ tướng Ardern gọi đây là một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand, quốc gia vốn nổi tiếng về sự thanh bình.

Trang Express của Anh xác định Tarrant sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động có thu nhập thấp. Y tới New Zealand để lên kế hoạch và huấn luyện nhóm khủng bố, sau đó ở lại để thực hiện vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.

Tarrant cho biết y lấy cảm hứng thực hiện vụ xả súng từ Andres Breivik, kẻ đã thảm sát 77 người ở Na Uy năm 2011. Y tuyên bố muốn trả thù cho "hàng nghìn người chết" trong các vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Getty)

Toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ đã rời khỏi Venezuela: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/3 cho biết toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ đã rời khỏi Venezuela.

Trước đó, Venezuela cũng lệnh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này trong vòng 72h.

Trong thông báo ngày 14/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình tại các khu vực khác. Theo ông Pompeo, những người này sẽ tiếp tục giúp quản lý các nguồn viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela.

Trước đó, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza ngày 12/3 cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước này trong vòng 3 ngày.

Lực lượng biểu tình "áo vàng". (Ảnh: Getty)

Phong trào “áo vàng" tiếp diễn tại Pháp: Ngày 16/3, các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” tiếp tục nổ ra trên toàn nước Pháp, bạo lực tái bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Tròn 4 tháng kể từ khi phong trào “áo vàng” bắt đầu nổ ra, ngày 16/3, đợt biểu tình lần thứ 18 diễn ra tại nhiều thành phố của Pháp, thu hút sự tham gia của hơn 32.000 người. Riêng tại thủ đô Paris, theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp, đã có khoảng 10.000 người tập trung quanh khu vực Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs-Élysées.

Tình trạng bạo lực tái bùng phát nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực trung tâm thủ đô Paris. Những đối tượng quá khích đã xâm nhập và đốt cháy trụ sở của một ngân hàng, nằm tại tầng 1 của một tòa nhà gần đại lộ Champs Élysées. Ngọn lửa và khói bốc cao đã làm ít nhất 11 người bị thương. Lực lượng cứu hỏa đã phải sơ tán toàn bộ cư dân trong tòa nhà, trong đó đã giải cứu kịp thời một phụ nữ cùng con nhỏ bị mắc kẹt tại tầng 2 của tòa nhà này. Bên cạnh đó, rất nhiều cửa hàng, xe hơi, công trình công cộng cũng bị đốt cháy hoặc phá hoại, tình trạng hôi của cũng diễn ra.

Trước tình trạng bạo lực nghiêm trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ và trở về Paris sớm hơn dự kiến để có cuộc gặp khẩn với đơn vị giải quyết khủng hoảng của Bộ Nội vụ.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói