Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

(Baohatinh.vn) - Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ; Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ mất tích tại Trung Quốc... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 30/9 - 6/10/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Hai nhà khoa học có công trình được giải Nobel y học 2018. (Ảnh: Nobel Prize)

Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ: Trong tuần qua, giải thưởng Nobel đã công bố chủ nhân của nhiều lĩnh vực.

Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 đã được trao chung cho hai nhà khoa học chuyên ngành miễn dịch là James Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản) để tôn vinh phát hiện của họ về liệu pháp chữa ung thư mới.

Ngày 2/10, giải Nobel Vật lý được trao cho nhà nghiên cứu Arthur Ashkin (người Mỹ), Gérard Morou (người Pháp), và Donna Strickland (người Canada) cho những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Ngày 3/10, giải Nobel Hóa học đã được trao cho ba nhà khoa học Frances H. Arnold (người Mỹ), George P.Smith (người Mỹ) và Sir Gregory P.Winter (người Anh) nhằm vinh danh công trình nghiên cứu về enzyme và kháng thể.

Giải Nobel Hòa bình 2018 đã thuộc về bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và Nadia Murad - người phụ nữ từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục - vì những nỗ lực chấm dứt việc dùng bạo lực tình dục như là một thứ vũ khí trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Giải này được trao ngày 5/10. Vào ngày 8/10 tới, giải Nobel Kinh tế sẽ được trao.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: Xinhua)

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ mất tích tại Trung Quốc: Thông tin về sự mất tích của chủ tịch Interpol lan truyền sau khi vợ ông đến đồn cảnh sát ở Lyon, Pháp trình báo việc chồng bặt vô âm tín sau khi về Trung Quốc từ ngày 29/9, cũng như việc gia đình bà đã nhận được những lời đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội.

Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào về sự biến mất của ông Mạnh cũng như không đề cập đến ông này trên các phương tiện truyền thông chính thức. Bộ Công an Trung Quốc cũng không bình luận về thông tin ông Mạnh mất tích.

Tuy nhiên, một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ ông đang bị Bắc Kinh điều tra. Trước khi được bầu làm Chủ tịch Interpol năm 2016, ông Mạnh là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ông là lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên của Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Người dân ở Palu đứng trước một ngôi nhà bị đổ sập sau trận động đất. (Ảnh: Reuters)

Indonesia xác nhận số người thiệt mạng vì động đất sóng thần đã lên 1.649: Ngày 6/10, Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Indonesia xác nhận, số người thiệt mạng do thảm họa kép động đất, sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi ngày 28/9 đã tăng lên 1.649 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết: “Đa phần các nạn nhân thiệt mạng đều ở Palu do sóng thần tập trung tại các khu vực vùng biển Talise”.

Dự kiến, số người chết và thiệt hại sẽ còn tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian, đào bới các đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm thêm những người mất tích.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. (Ảnh: Yonhap)

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lĩnh án 15 năm tù vì tham nhũng: Ngày 5/10, tòa án Seoul đã tuyên án cựu Tổng thống Lee Myung-bak 15 năm tù và mức phạt 13 tỷ won (tương đương 11,5 triệu USD) vì các tội liên quan đến tham nhũng. Ông Lee là Tổng thống Hàn Quốc thứ 4 phạm tội hình sự.

Ông Lee Myung-bak - Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2013, đã bị buộc tội vào tháng 4/2018 với 16 tội danh, gồm có nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền. Các công tố viên đã đề nghị mức án 20 năm tù với cựu Tổng thống Lee. Với khoản tiền 35 tỷ won mà các công tố viên khẳng định ông Lee đã tham ô, tòa chỉ chấp nhận con số 24 tỷ won do các cáo buộc trên còn thiếu căn cứ.

Ông Lee không có mặt tại phiên tòa ngày 5/10 để phản đối các quyết định của tòa án.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Người dân Macedonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, ngày 30/9. (Ảnh: AP)

Tổng thống Macedonia chỉ trích EU đối xử bất công: Ngày 4/10, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) "bất công" sau cuộc trưng cầu dân ý đổi tên của nước này, vốn là một điều kiện để Macedonia gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo ông Ivanov, các quốc gia khác có các mối quan hệ song phương chưa được giải quyết đã trở thành thành viên của EU, ví dụ như Slovenia và Croatia.

Tổng thống Ivanov còn phân tích: "Họ đã được phép gia nhập EU, trong khi Macedonia thậm chí còn không được bắt đầu đàm phán gia nhập. Cho đến nay, EU đã đối xử không công bằng với Macedonia".

Hôm 30/9, hơn 90% cử tri Macedonia đi bỏ phiếu đã ủng hộ việc đổi tên nước này thành Bắc Macedonia, song kết quả này không có hiệu lực do tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp.

Trước đó, Tổng thống Gjorge Ivanov cũng đã kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân này. Hồi tháng 6, ông Ivanov đã từ chối ký thỏa thuận về đổi tên của nước này, cho rằng đây là một hành động vi hiến.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/10 đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico, thay thế cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết năm 1994. (Ảnh: AP)

Mỹ, Canada và Mexico đạt được thỏa thuận thương mại mới: Trước hạn chót nửa đêm ngày 30/9, Mỹ và Canada cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại 3 bên, thay vì bị xé lẻ thành những thỏa thuận song phương như lo ngại trước đây. Nói cách khác, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ đã hồi sinh trong hình hài mới mang tên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada.

Thỏa thuận mới cho phép duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Canada coi là một biện pháp phòng vệ nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại hoặc thuế quan. Đổi lại, Canada đồng ý cho phép các nhà sản xuất và nông dân Mỹ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn vào nước này. Hiệp định mới cũng cần phải được Quốc hội mỗi nước phê chuẩn thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Ông Barham Salih. (Ảnh: thenational.ae)

Quốc hội Iraq bầu chính khách người Kurd làm tân Tổng thống: Theo đài Truyền hình quốc gia Iraq, Quốc hội nước này ngày 2/10 đã bầu chính khách kỳ cựu người Kurd Barham Salih làm tân tổng thống trong một cuộc bỏ phiếu vốn bị trì hoãn quá lâu vì mâu thuẫn chính trị.

Cuộc bầu chọn diễn ra 2 ngày sau cuộc bầu cử tại khu vực tự trị của người Kurd và 1 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của cộng đồng người Kurd tại Iraq.

Theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực không chính thức khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, các vị trí then chốt trong chính phủ quốc gia Tây Nam Á này sẽ được phân bổ giữa các nhóm sắc tộc, theo đó chức Thủ tướng do một người Arab dòng Shi’ite nắm giữ, Chủ tịch Quốc hội thuộc về cộng đồng người Arab Sunni và một người Kurd sẽ giữ ghế tổng thống.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Trụ sở Tòa án Công lý Quốc tế tại Hague (Hà Lan). (Ảnh: AFP)

Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran: Truyền thông quốc tế đưa tin ngày 3/10, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có trụ sở tại Hà Lan, đã phán quyết rằng Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt Iran để không gây ảnh hưởng tới việc Tehran nhập khẩu hàng nhân đạo, cũng như sản phẩm và dịch vụ liên quan tới lĩnh vực hàng không dân dụng.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nối lại việc áp đặt trừng phạt Iran sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện mà nhóm P5+1 ký với Tehran năm 2015. Tháng 7 vừa qua, Iran đã quyết định khởi kiện Mỹ lên ICJ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/10 cho rằng Iran đã mang đưa "một vụ kiện phi lý" lên ICJ và cáo buộc họ vi phạm hiệp ước năm 1955, lợi dụng tòa án cho mục đích chính trị và tuyên truyền. Ông Pompeo cũng cho biết Mỹ sẽ chấm dứt hiệp ước hữu nghị năm 1955 với Iran về điều chỉnh quan hệ kinh tế và lãnh sự giữa hai nước.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Tổ hợp phòng không S-300 của Nga. (Ảnh: TASS)

Nga chuyển giao xong 4 tổ hợp tên lửa S-300 cho Syria: "Chúng tôi đã hoàn thành việc cung cấp cho các tổ hợp S-300 cho Syria, bao gồm tổng cộng 49 thiết bị như radar, hệ thống điều khiển bắn, xe chỉ huy và 4 xe phóng", Sputnik ngày 2/10 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. "Quá trình chuyển giao hoàn thành một ngày trước", ông Shoigu nói.

Các chuyên gia Nga sẽ hướng dẫn binh sĩ Syria vận hành tên lửa S-300 trong vòng 3 tháng. Ông Shoigu cho biết các tổ hợp phòng không Nga và Syria sẽ được tích hợp thành một hệ thống tự động đơn nhất trước ngày 20/10.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng tiết lộ Moskva đã tăng cường năng lực tác chiến điện tử tại Syria bằng việc biên chế các thiết bị trinh sát bổ sung, có khả năng kiểm soát vùng trời trong bán kính 50 km, giám sát trong khu vực bán kính 200 km từ vị trí triển khai các hệ thống này trên lãnh thổ Syria.

Thế giới nổi bật trong tuần: Nhiều giải thưởng Nobel đã có chủ

Ảnh minh họa: Yonhap

Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu dỡ mìn khỏi Khu phi quân sự DMZ: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, việc tháo dỡ mìn khỏi Khu phi quân sự (DMZ) được tiến hành từ ngày 1/10 theo thỏa thuận gần đây nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn những xung đột không đáng có giữa 2 bên.

Quân đội 2 nước đã tiến hành việc tháo dỡ mìn ở Khu vực an ninh chung (JSA) trong DMZ mà họ đã nhất trí giải giáp, và một phần ở Cheorwon thuộc tỉnh Gangwon, nơi 2 bên dự định tiến hành một dự án chung nhằm khai quật hài cốt từ Chiến tranh liên Triều (1950-1953) vào năm sau.

Trong khi tiến hành dỡ mìn ở JSA, dự kiến kéo dài trong 20 ngày, Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC – đơn vị chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động ở DMZ) cũng dự kiến tổ chức tham vấn 3 bên về nhiều vấn đề như việc binh sỹ của các bên sẽ hoạt động ra sao sau khi giải giáp.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.