Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Việt Nam: Ngày 28/2, cuộc hội đàm chính thức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, Hà Nội, trước sự hy vọng hai bên lần đầu tiên sẽ đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mở khả năng Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, tạo cơ hội cho kinh tế Triều Tiên phát triển.
Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, trái ngược với tình hình lạc quan trong cuộc đối thoại 1-1 và bữa tối chung vào 27/2 tại khách sạn Metropole giữa hai nhà lãnh đạo, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên kết thúc sớm hơn dự kiến, các khâu chuẩn bị theo lịch trình như cùng ăn trưa làm việc, ký văn bản chung đều bị hủy bỏ.
Hơn 2 giờ chiều ngày 28/2, Tổng thống Trump tổ chức cuộc họp báo ở khách sạn JW Marriott và tiết lộ lý do cuộc hội đàm kết thúc sớm. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, việc hội đàm đổ vỡ có liên quan đến việc hai bên vẫn chưa giải quyết được “khúc mắc” liên quan tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Đến 23h30 cùng ngày, Triều Tiên bất ngờ tổ chức cuộc họp báo hiếm hoi về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 kết thúc sớm hơn dự kiến. Tại cuộc họp báo, đại diện Triều Tiêu cho biết, chỉ yêu cầu gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh cấm vận được Hội đồng bảo an LHQ thông qua trong năm 2016 và 2017. Ông Ri Yong Ho cho rằng nguyên nhân hai bên không thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp gỡ lần này là do phía Mỹ yêu cầu Triều Tiên cam kết nhiều hơn nữa.
Dù không đạt được thỏa thuận, song Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã "có thời gian hữu ích" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không khí kết thúc cuộc gặp "rất tốt, không ai ra về trong giận dữ". Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau khi kết thúc hội nghị ngày 1/3 đã có một bài viết, khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ duy trì đối thoại tích cực, cũng như cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới.
Là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, Việt Nam đã chứng minh khả năng lớn trong việc tổ chức một sự kiện lịch sử, cũng như khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Người biểu tình "Áo vàng" tập trung tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 16/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người "Áo vàng" tại Pháp bắt đầu tuần biểu tình tuần thứ 16 liên tiếp: Các cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp trong ngày 2/3. Đây là dịp cuối tuần thứ 16 liên tiếp, các cuộc biểu tình diễn ra tại "kinh đô thời trang" này và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tại thủ đô Paris, những người biểu tình đã tập trung tại Khải hoàn môn và dự kiến sẽ tuần hành trên nhiều tuyến phố chính. Những người tổ chức biểu tình tuyên bố họ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với chính quyền, phản đối các chính sách kinh tế - xã hội mà họ cho là ưu ái giới giàu có.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn của nước Pháp như Marseille, Lyon, Bordeaux, Lille...
Trước đó một ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người biểu tình "Áo vàng" kiềm chế, tránh các hành động kích động bạo loạn đường phố trong làn sóng biểu tình bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái này.
Hoạt động biểu tình của những người "Áo vàng" nổ ra tại Pháp từ trung tuần tháng 11/2018, xuất phát từ làn sóng phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu và nhanh chóng lan rộng thành một chiến dịch biểu tình hằng tuần nhằm phản đối các chính sách của chính phủ.
Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)
Canada bắt đầu quá trình dẫn độ CFO Huawei sang Mỹ: Ngày 1/3, Bộ Tư pháp Canada thông báo bắt đầu quá trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của tập đoàn Huawei, sang Mỹ để đối diện với những cáo buộc liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt của Washington với Iran.
Thông báo của Bộ Tư pháp Canada cho biết quyết định trên được đưa ra sau một quá trình đánh giá toàn diện và kỹ lưỡng về các bằng chứng liên quan đến vụ việc.
Dự kiến, bà Mạnh Vãn Chu sẽ ra tòa vào ngày 6/3 - thời điểm các công tố viên đưa ra những bằng chứng và đặt ra các “lập luận chi tiết” cho quyết định dẫn độ.
Dự kiến, trong giai đoạn cuối quá trình này, nếu thẩm phán ra phán quyết cho phép dẫn độ, Bộ Tư pháp Canada sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem liệu có đưa bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ hay không.
Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada đã ra thông báo cho biết nước này "phản đối mạnh mẽ” quyết định mới nhất của Ottawa liên quan đến việc bắt đầu quá trình dẫn độ CFO của tâp đoàn Huawei.
Binh sỹ Ấn Độ điều tra bên chiếc máy bay của Không quân nước này bị rơi tại quận Budgam, cách thủ phủ Srinagar, bang Kashmir khoảng 30 km ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Căng thẳng Pakistan - Ấn Độ: Thực hiện cam kết của Thủ tướng Imran Khan, tối 1/3, Pakistan đã trao trả một viên phi công Ấn Độ, người điều khiển máy bay bị bắn hạ và bắt giữ trong một vụ không chiến giữa hai nước trong tuần này.
Islamabad tuyên bố, động thái trao trả này là cử chỉ hòa bình có khả năng giảm bớt căng thẳng và tránh một cuộc chiến tranh khác giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngày 27/2 vừa qua, Pakistan công bố băng hình một phi công Ấn Độ bị bắt giữ sau khi Pakistan bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ. Trong clip được Pakistan đăng tải, một người mặc quân phục của không quân Ấn Độ với số hiệu cho biết anh ta tên Abhinandan Varthaman. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phản đối mạnh mẽ việc Pakistan công bố hình ảnh sĩ quan bị thương của không quân Ấn Độ bị Pakistan bắt giữ, nhấn mạnh điều này đã vi phạm Công ước Geneva và Luật nhân đạo quốc tế.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/2 làm 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Căng thẳng tiếp tục tăng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu.
Đáp lại, Không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ một phi công. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lập tức yêu cầu Islamabad đảm bảo an toàn và trao trả viên phi công này.
Hamza bin Laden, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden. (Ảnh: Times Now)
Saudi Arabia tước quốc tịch của con trai Osama Bin Laden: Ngày 1/3, Bộ Nội vụ Saudi Arabia thông báo nước này đã tước quốc tịch của Hamza bin Laden, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden. Tuyên bố này đã được đăng trên công báo Umm Al Qura của Saudi Arabia.
Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ thưởng 1 triệu USD cho bất cứ ai có thông tin giúp tìm ra Hamza bin Laden. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/2 cho biết: "Hamza bin Laden là con trai của Osama bin Laden và đang nổi lên như một thủ lĩnh mới trong hàng ngũ Al-Qaeda."
Theo tình báo Mỹ, Hamza Bin Laden (khoảng 30 tuổi) đã từng đe dọa tấn công Mỹ để trả thù việc lực lượng đặc nhiệm nước này đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 tại thị trấn Abbottabad ở Pakistan.
Trong bối cảnh tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sắp bị "xóa sổ" ở Syria, tình báo Mỹ hướng mối lưu tâm vào sự trở lại của Al-Qaeda và cho rằng Hamza bin Laden có thể trở thành người kế tục cha mình, cầm đầu phong trào thánh chiến trên toàn cầu.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Morning Standard)
Thủ tướng Anh tuyên bố khả năng hoãn Brexit thêm vài tháng: Thủ tướng Anh Theresa May hôm 26/2 lần đầu tiên tuyên bố có thể lùi việc thực thi Brexit vào ngày 29/3 tới một thời hạn khác do thoả thuận Brexit nhiều khả năng không được Hạ viện Anh thông qua.
Bà May cho rằng, nếu vào ngày 12/3 tới Hạ viện Anh không thông qua thoả thuận Brexit sửa đổi mà bà đã cố gắng đàm phán trong hơn 1 tháng qua với Liên minh châu Âu thì ngay sau đó, vào ngày 13/3, chính phủ Anh sẽ đề nghị một cuộc bỏ phiếu về việc nước Anh rời EU mà không có bất cứ thoả thuận Brexit nào.
Nếu Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ kịch bản Brexit không thoả thuận, mà khả năng đó gần như chắc chắn, thì vào ngày tiếp theo, tức 14/3, bà sẽ đề nghị lùi thời hạn thực thi Brexit trên lý thuyết là ngày 29/3 tới một thời điểm khác, có thể là cuối tháng 6/2019.
Hạ viện Mỹ chính thức ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump. (Ảnh: Reuters)
Hạ viện Mỹ chính thức ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump: Hạ viện Mỹ ngày 26/2 đã thông qua dự luật để ngăn chặn Tuyên bố khẩn cấp tại biên giới phía Nam của Tổng thống Donald Trump.
Dự thảo nghị quyết đã được thông qua dễ dàng tại Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, với tỷ lệ 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống.
Cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra tại Hạ viện đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có hành động chính thức để ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống, kể từ khi quyền lực này được tạo ra trong Đạo luật khẩn cấp quốc gia năm 1976.
Trường hợp dự thảo nghị quyết này được thông qua tại Thượng viện sẽ buộc Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên phải sử dụng tới quyền phủ quyết và cũng gần như chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ không nhận đủ đa số phiếu ủng hộ cần thiết để phản bác quyền phủ quyết của ông Donald Trump.
Nhật hoàng Akihito phát biểu trong cuộc họp báo tại Hoàng cung ở Tokyo. (Ảnh: Kyodo/AP)
Nhật Bản kỷ niệm 30 năm Thiên Hoàng Akihito trị vì: Lễ kỷ niệm 30 năm Thiên Hoàng Nhật Bản Akihito trị vì được tổ chức tại Tokyo ngày 24/2 với sự tham dự của Thiên Hoàng và Hoàng Hậu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch lưỡng viện Quốc hội, Chánh án Tòa án Tối cao, các thành viên Quốc hội, đại diện giới doanh nghiệp và Đại sứ các nước tại Nhật Bản cũng có mặt tại sự kiện diễn ra tại Nhà hát Quốc gia.
Thiên Hoàng Akihito nói rằng, trong 30 năm của thời kỳ Heisei, Nhật Bản nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người yêu chuộng hòa bình. Ông nói thêm rằng đây là thời kì đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, nước Nhật không phải trải qua chiến tranh.
Theo dự kiến, Thiên Hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4 và Hoàng Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi sau đó 1 ngày là ngày 1/5.
Cử tri Cuba bỏ phiếu bày tỏ ý kiến tán thành hoặc không tán thành thông qua Hiến pháp mới. (Ảnh: Lê Hà - Pv TTXVN tại Cuba)
Cử tri Cuba thông qua Hiến pháp mới: Trong một cuộc họp báo chính thức ngày 25/2, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Cuba Alina Balseiro thông báo trong số gần 9,3 triệu cử tri đăng ký của đảo quốc Caribe này, đã có gần 7,85 triệu người tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân; trong đó có 6,816 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ thông qua Hiến pháp mới, đạt 86,85% tổng số phiếu bầu, 705.000 cử tri bỏ phiếu chống, tương đương 9% số phiếu, và 325.000 phiếu không hợp lệ hoặc là phiếu trắng (4,15% tổng số phiếu).
Bà Balseiro nhấn mạnh theo luật bầu cử của Cuba, việc thông qua Hiến pháp bằng trưng cầu ý dân đòi hỏi số phiếu ủng hộ phải vượt quá 50% tổng số cử tri đăng ký trên toàn quốc (tức không chỉ số cử tri đi bầu hay số phiếu bầu hợp lệ), và tỷ lệ này trong cuộc trưng cầu vừa qua là 73,31%. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 1 tuần tới và Hiến pháp mới sẽ có hiệu lực sau khi kết quả này được đăng trên Công báo nhà nước.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump gặp Phó thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc hôm 22/2. (Ảnh: Bloomberg)
Mỹ lùi thời điểm tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc: Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và quyết định lùi thời hạn tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump viết: “Tôi hài lòng thông báo rằng, Mỹ đã đạt được tiến bộ quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề quan trọng về cấu trúc, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuế, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và nhiều vấn đề khác”.
Tổng thống Donald Trump đồng thời cho biết, do kết quả của các cuộc đàm phán rất hữu ích, ông sẽ trì hoãn việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến vào ngày 1/3/2019. Giả sử cả hai bên đạt được thêm tiến triển, Mỹ sẽ lên kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida để hoàn tất một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Donald Trump chưa thông báo cụ thể lùi thời hạn tăng thuế đến khi nào.