Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ khẳng định thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội: Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp của ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng Hai sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.
Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Các phái viên của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất thời gian địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un. Cuộc gặp này sẽ diễn ra tại thành phố Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28/2. Tôi mong đợi cuộc gặp với ngài Kim Jong-un và tiến tới xây dựng hòa bình."
Ông Trump và ông Kim Jong-un lần đầu gặp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Sau cuộc gặp lịch sử, ông Kim đã cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa diễn ra sau đó vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể. Triều Tiên muốn được dỡ bỏ trừng phạt trong khi Mỹ quyết duy trì sức ép tối đa tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Người biểu tình "Áo vàng" tập trung tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 26/1/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Biểu tình "Áo Vàng" tái diễn tuần thứ 13 liên tiếp tại Pháp: Ngày 9/2, hàng nghìn người biểu tình "Áo vàng" lại tuần hành ở thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác trong tuần biểu tình thứ 13 vào mỗi ngày thứ Bảy nhằm phản đối chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo báo cáo của cảnh sát, hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình xung quanh Đại lộ Champs Elysess ở thủ đô Paris, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát tình hình. Cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" cũng diễn ra ở một số nơi như tại thành phố cảng Marseille, ở Bordeaux hay Toulouse.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 8.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình ở các thành phố ngoài thủ đô Paris, trong đó có tổng cộng 21 người bị bắt liên quan đến các vụ đụng độ.
Công chúa Ubolratana. (Nguồn: Twitter)
Rút lại đề cử Công chúa Thái Lan làm ứng cử viên thủ tướng: Theo AFP, trong một tuyên bố ngày 9/2, đảng Thai Raksa Chart cho biết đảng này sẽ tuân lệnh Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn không đồng ý việc Công chúa Ubolratana ứng cử vị trí thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Trong một thông điệp gửi tới các phóng viên, đảng này nêu rõ: "Đảng Thai Raksa Chart sẽ tuân lệnh hoàng gia với lòng trung thành đối với Nhà vua và tất cả thành viên Hoàng gia."
Trước đó chỉ một ngày, Thai Raksa Chart, đảng chính trị với các thành viên là người thân của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra đã đề cử Công chúa Ubolratana là ứng cử viên duy nhất của họ cho vị trí thủ tướng nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 tới.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP)
NATO ấn định thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh: Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 6/2 cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của liên minh quân sự này sẽ diễn ra vào tháng 12/2019 tại thủ đô London, Anh. Việc lựa chọn London làm địa điểm tổ chức sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cao trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 3/2019, được xem như sự khẳng định vai trò quan trọng của Anh đối với an ninh châu lục.
Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất của NATO diễn ra hồi tháng 7 vừa qua tại Bruxelles, Bỉ đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa một bên là Mỹ với một bên là các nước châu Âu. Tổng thống Donald Trump khi đó đã yêu cầu các nước đồng minh phải chi tiêu hơn cho quốc phòng và giảm phụ thuộc vào Nga.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Maduro cam kết đáp trả nếu Mỹ can thiệp quân sự: Ngày 5/2, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định ông sẽ khiến Mỹ phải chịu những thiệt hại không thể sửa chữa, nếu Washington quyết định can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ này.
Trả lời phỏng vấn kênh RT của Nga, ông Maduro nhấn mạnh: "Chúng tôi đang lên kế hoạch đáp trả sự can thiệp của Mỹ bằng một cách khiến Washington phải chịu những tổn thất về người và quân sự không thể sửa chữa."
Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng gọi việc Mỹ trừng phạt tập đoàn dầu khí PDVSA của Venezuela là hành động "tước đoạt trái phép."
Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức nhân quyền Foro Penal của Venezuela, ông Alfredo Romero cho biết đã có 966 người bị bắt trong các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Venezuela.
Sử dụng túi nilon để gói hàng hóa tại một siêu thị ở Santiago, Chile. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Chille chính thức cấm sử dụng túi nilon: Kể từ ngày 3/2, điều luật cấm các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ sử dụng túi nilon, được thông qua hồi tháng 5 năm ngoái, bắt đầu có hiệu lực toàn phần tại Chile. Những khách hàng quên mang theo túi dùng nhiều lần sẽ buộc phải ôm đồ bằng tay hoặc... về nhà lấy túi.
Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, các siêu thị và trung tâm bán lẻ lớn tại Chile đã bắt đầu hạn chế hoặc chỉ đưa khách hàng túi nilon khi được yêu cầu, nhằm thích nghi dần với biện pháp được coi là nghiêm ngặt nhất tại Mỹ Latinh chống lại loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường này.
Theo thống kê sơ bộ của Chính phủ Chile, với các biện pháp giảm dần trong 6 tháng qua, quốc gia Nam Mỹ này đã cắt giảm được khoảng 1 tỷ túi nilon và giảm được 7.350 tấn rác thải phái sinh, tương đương khối lượng của 6.300 chiếc ô tô điện.
Phân loại gạo tại một nhà máy ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thái Lan chuẩn bị trình đề nghị trở thành thành viên CPTPP: Truyền thông Thái Lan ngày 9/2 dẫn lời Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết ông đã chỉ thị Bộ Thương mại nước này trình đề nghị trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu tại cuộc họp với quan chức cấp cao Bộ Thương mại về vấn đề trên, ông Somkid cũng đã yêu cầu các chuyên gia đàm phán thương mại khẩn trương hoàn thành đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.
Quyền Bộ trưởng Thương mại Chutima Bunyapraphasara cho biết bộ này sẽ triệu tập một cuộc họp nhóm công tác về CPTPP vào tháng này để xem xét tiến hành một nghiên cứu về những lợi ích và tác động của việc gia nhập hiệp định trên. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình lên nội các chính phủ xem xét trong tháng 3 tới.
Nhà báo J.Khashoggi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
LHQ cáo buộc giới chức Saudi Arabia đứng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Ngày 7/2, báo cáo viên đặc biệt của LHQ phụ trách điều tra vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, bà Agnes Callamard, khẳng định các quan chức trong chính quyền Riyadh đã lên kế hoạch và tiến hành vụ việc trên.
Theo tuyên bố của LHQ, phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, bà Callamard nêu rõ: “Những chứng cứ thu thập được trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của tôi đã chứng minh rằng ông Khashoggi là nạn nhân của một vụ giết người dã man và được lên kế hoạch từ trước. Vụ việc được lên kế hoạch và tiến hành bởi các quan chức trong chính quyền Saudi Arabia”.
Toàn cảnh một cuộc họp Quốc hội Ukraine tại Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ukraine sửa đổi hiến pháp thúc đẩy tiến trình gia nhập EU, NATO: Ngày 7/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, theo đó nêu rõ nguyện vọng của nước này là gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong phiên thông qua lần cuối tại Quốc hội Ukraine, 334 nghị sỹ đã ủng hộ những thay đổi "lịch sử" đối với hiến pháp và 35 nghị sỹ phản đối.
Những sửa đổi này củng cố mục tiêu của Kiev đưa Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của EU, NATO và buộc tổng thống, chính phủ và quốc hội nước này phải tuân thủ tiến trình được lựa chọn này.
Việc hội nhập châu Âu là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ukraine, theo đó nhiều năm qua nước này thúc đẩy gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố sẽ tổ một cuộc trưng cầu ý dân về gia nhập NATO trước năm 2020.
Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Ảnh: Kataeb)
Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva bị kết án thêm 13 năm tù: Ngày 6/2, Bộ Tư pháp Brazil cho biết cựu Tổng thống nước này, ông Luiz Inácio Lula da Silva đã bị kết án thêm 12 năm và 11 tháng tù giam trong một cáo buộc mới về tội tham nhũng và rửa tiền. Tờ Folha của Brazil cho biết nhóm luật sư biện hộ của ông Lula vẫn hoàn toàn có thể kháng cáo.
Cựu Tổng thống Lula da Silva, 73 tuổi, từng giữ 2 nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010, hiện vẫn là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Brazil.
Ông bị kết tội tham nhũng cùng mức án 12 năm 1 tháng tù giam hồi năm 2017 với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ công ty xây dựng OAS trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras. Sau khi kháng án bất thành, nhà cựu lãnh đạo cánh tả đã chấp hành lệnh bắt giữ để thi hành án.