Một phiên họp của Đại hội đồng LHQ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Việt Nam lần đầu trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ: Sáng 18/12 (theo giờ Hà Nội), tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York, với số phiếu 157/193, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.
UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý của Liên hợp quốc, được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra từ năm 1966 với mục đích và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Việc Việt Nam ứng cử thành công, lần đầu tiên trở thành thành viên UNCITRAL thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, thương mại cũng như sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật thương mại quốc tế.
Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng ngày 18/12. (Ảnh: AFP)
Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria: Trên trang Twitter ngày 19/12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và đó là nguyên nhân duy nhất cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó. Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ đã bắt đầu rút quân đội khỏi Syria và bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch của mình tại đây.
Theo bà Sarah Sanders, các thắng lợi của Mỹ trước tổ chức IS ở Syria không có nghĩa liên minh toàn cầu và chiến dịch của liên minh này tại Syria sẽ chấm dứt. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Dana White cũng đã khẳng định thông tin về việc Mỹ bắt đầu rút toàn bộ 2.000 binh sỹ khỏi Syria. Quá trình này có thể sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày.
Trong một diễn biến khác, hãng Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên ngày 20/12, tiết lộ Tổng thống Donald Trump cũng đang cân nhắc rút số lượng lớn binh lính khỏi Afghanistan. Hiện Lầu Năm Góc từ chối bình luận về vấn đề này.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (phải) xuất hiện tại Vancouver cuối tuần trước. (Ảnh: AP)
Công dân Canada thứ 3 bị bắt tại Trung Quốc: Hôm 20/12, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh đã xác nhận thông tin Trung Quốc đang bắt giữ công dân thứ 3 của Canada là bà Sarah Mclver.
Tuy nhiên theo người phát ngôn Hoa Xuân Doanh, tính chất vụ bắt giữ bà Sarah Mclver khác so với vụ bắt giữ hai công dân Canada trước đó.
Bà Sarah Mclver bị xử phạt hành chính do hành nghề trái phép tại Trung Quốc. Trung Quốc đang tạo điều kiện để phía Canada tiến hành công tác lãnh sự đối với bà Sarah Mclver. Trước đó, ngày 12/10 vừa qua, cơ quan an ninh Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân của Canada với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia của nước này.
Các vụ bắt giữ tại Trung Quốc được thực hiện sau khi giới chức Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu của phía Mỹ.
Quang cảnh buổi họp báo cuối năm của Tổng thống Nga. (Ảnh: Sputnik)
Tổng thống Putin đặt mục tiêu đưa Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới: Trong cuộc họp báo lớn thường niên lần thứ 14, Tổng thống Nga Putin khẳng định mục tiêu đưa nước Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Nga hiện xếp thứ 12 về kinh tế theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đứng đầu danh sách này là Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh.
Tổng thống Putin cho rằng điều quan trọng là Nga cần tham gia một liên minh kinh tế mới và "có thể chiếm vị trí thứ năm về quy mô kinh tế". Tăng trưởng kinh tế trong 10 tháng đầu năm của Nga là 1,7%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,8%, so với con số 5,2% của năm 2017. Tăng trưởng cả năm của Nga ước tính khoảng 1,8%.
Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm nay diễn ra từ 12h trưa 20/12 theo giờ Moskva kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, với số phóng viên tham dự ở mức kỷ lục – 1702 người. Đây là lần thứ 14 Tổng thống Putin tổ chức họp báo hằng năm và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm 2019: Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một thông điệp trên Twitter ngày 20/12 tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, một cựu Tướng thủy quân lục chiến được biết tới như một nhân vật có quyền lực ổn định trong nội các của Tổng thống Trump, sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 2/2019.
Sự ra đi của Bộ trưởng Mattis đã được dự đoán trước sau khi Tổng thống Trump hôm 19/12 thông báo rút quân khỏi Syria bất chấp phản đối từ các đồng minh cũng như các quan chức quân đội Mỹ. Trong lá thư từ chức, ông Mattis cho biết ông rút lui để Tổng thống Trump có thể có một bộ trưởng quốc phòng với quan điểm gần gũi với ông hơn.
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm đề cử một người kế nhiệm Bộ trưởng James Mattis.
Toàn cảnh cuộc họp Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền Đông Pháp ngày 11/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
EU gia hạn các lệnh trừng phạt với Nga thêm 6 tháng: Hội đồng châu Âu ngày 21/12 tuyên bố đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng.
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Vào ngày 21/12/2018, Hội đồng đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số lĩnh vực cụ thể của kinh tế Nga tới ngày 31/7/2019." Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13 và 14/12/2018 cập nhật về tình hình thực thi các thỏa thuận Minsk, những thỏa thuận có liên quan tới các biện pháp trừng phạt.
Theo tuyên bố trên, xét thấy không có tiến triển nào đạt được, Hội đồng châu Âu đã đưa ra quyết định chính trị gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Hội đồng châu Âu đã nhất trí thông qua quyết định này vào ngày 21/12.
Tòa nhà quốc hội Mỹ tối 21/12. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Mỹ chính thức tạm ngừng hoạt động: Vào lúc 0 giờ 1 phút ngày 22/12 theo giờ Washington (12 giờ 01 ngày 22/12 giờ Việt Nam), Chính phủ Liên bang Mỹ đã tạm thời phải đóng cửa một phần vì hết ngân sách hoạt động.
Theo trang "The Hill", động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật cấp ngân sách liên bang hoạt động tới ngày 8/2/2019 cho chính phủ trước thời hạn chót nửa đêm 21/12 và buộc khoảng 1/4 cơ quan liên bang Mỹ phải tạm thời đóng cửa.
Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật cấp ngân sách bao gồm cả khoản kinh phí 5,7 tỷ USD cho dự án xây bức tường biên giới phía Nam giáp Mexico theo đề xuất của Tổng thống Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, dự luật này đã không thể vượt qua "ải" Thượng viện vì sự phản đối của nhiều Thượng nghị sĩ Dân chủ.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm Chính phủ Mỹ đối mặt với cảnh "ăn đong từng bừa" và buộc phải tạm ngừng hoạt động vì hết ngân sách. Ước tính, khoảng 800.000 nhân viên các cơ quan liên bang sẽ phải nghỉ việc, trong khi 420.000 lao động khác sẽ không nhận được lương trong lúc Giáng sinh, Năm mới đang tới gần.
Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh: WSJ)
Hàn Quốc muốn giảm quy mô tập trận với Mỹ trong năm tới: Trong một nội dung công bố vào ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết, để cải thiện quan hệ ngoại giao với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, trong năm 2019, Hàn Quốc sẽ giảm quy mô một số cuộc tập trận thường niên với Mỹ.
Theo đó, hai cuộc tập trận lớn là Đại bàng non (Foal Eagle) và Người bảo vệ tự do Ulchi sẽ được tổ chức lại ở mức độ không gây tổn hại tới quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Đây cũng là tinh thần mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã từng tuyên bố trước đây.
Trong năm 2018, Hàn Quốc và Mỹ đã hoãn một số cuộc tập trận chung, bao gồm cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi 2018. Động thái này diễn ra khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên có nhiều chuyển biến tích cực và Bình Nhưỡng bắt đầu dỡ bỏ và đóng cửa các cơ sở hạt nhân.
Việc Australia công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel không tránh khỏi phản ứng trái chiều từ dư luận, nhất là của các nước Arab và Hồi giáo. (Ảnh: AFP)
Australia công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel: Ngày 15/12, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này công nhận khu vực Tây Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Australia vẫn ở Tel Aviv cho đến khi đạt được một giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine, trong đó, xác định được quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem.
Thủ tướng Australia cũng cam kết ủng hộ những nguyện vọng về một Nhà nước Palestine trong tương lai với Đông Jerusalem là thủ đô, một khi quy chế của thành phố này được xác định trong một thỏa thuận hòa bình. Thủ tướng Morrison nhấn mạnh "việc ủng hộ nền dân chủ tự do tại Trung Đông hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Australia".