Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

(Baohatinh.vn) - Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng, Ông Emmerson Mnangagwa đắc cử tổng thống Zimbabwe... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 29/7 - 4/8/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Hàng hóa Trung Quốc tại cảng ở California, Mỹ ngày 20/6. (Ảnh: AFP)

Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng: Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 3/8 thông báo nước này sẽ áp thuế bổ sung từ 5 - 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thời điểm áp dụng các mức thuế này sẽ phụ thuộc vào hành động từ phía Washington.

Trước đó, ngày 1/8, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các bộ liên quan nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25% do Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu của Washington và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.

Mỹ đã áp thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 7 khiến Trung Quốc có các biện pháp trả đũa tương đương. Mỹ sẽ thông báo thêm 16 tỷ USD hàng hóa khác bị nhắm mục tiêu trong những tuần tới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau lễ ký kết tại hội nghị thượng đỉnh ở khách sạn Capella Hotel trên đảo Sentosa, Singapore hôm 12/6. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục gửi thư cho Tổng thống Trump: Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đã nhận một bức thư từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 1/8 nhưng không tiết lộ nội dung, AFP đưa tin.

Trên trang Twitter ngày 2/8, Tổng thống Donald Trump cũng thông báo ông nhận được thư từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng thời cảm ơn lãnh đạo Triều Tiên về việc trao trả hài cốt của một số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Ông Trump cũng cho biết ông mong đợi cuộc gặp thứ hai với ông Kim Jong-un.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa phát biểu tại hội một buổi tranh cử ở Bulawayo. (Ảnh: AFP)

Ông Emmerson Mnangagwa đắc cử tổng thống Zimbabwe: Đương kim Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, người lên nắm quyền tại quốc gia châu Phi này sau vụ đảo chính hạ bệ ông Robert Mugabe vào tháng 11/2017, đã được bầu vào vị trí Tổng thống đất nước này vào ngày 2/8/2018.

Theo kết quả kiểm phiếu, ông Mnangagwa, lãnh đạo Liên minh Dân tộc Phi Zimbabwe - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) giành được 50,8% phiếu bầu và vượt qua đối thủ Nelson Chamisa, 40 tuổi, Chủ tịch Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC).

Trước đó, ngày 30/7, khoảng 5,6 triệu cử tri Zimbabwe đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống, Quốc hội và chính quyền địa phương. Hình ảnh cuộc bầu cử này đã bị làm xấu đi bởi việc quân đội trấn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập và làm 6 người thiệt mạng.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Thủ tướng Campuchia kiêm chủ tịch đảng CPP Hun Sen giơ ngón tay dính mực đánh dấu việc đã tham gia bỏ phiếu. (Ảnh: Reuters)

Đảng của Thủ tướng Hun Sen giành đa số ghế ở bầu cử Quốc hội Campuchia: Theo kết quả sơ bộ, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo đã giành đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 6 diễn ra ngày 29/7.

Nguồn tin từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia vào chiều tối 30/7 cho biết, 82,89 % cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 6. Trong đó có 3 Đảng nhận được số phiếu cao nhất là: Đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo nhận được 4.875.189 phiếu, đạt 76,78%. Đảng Funcinpec nhận được 373.526 phiếu, đạt 5,88%. Đảng Liên minh vì Dân chủ nhận được 308.292 phiếu, đạt 4,86%.

Ngày 15/8 tới đây, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia sẽ công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội khóa 6, nhiệm kỳ 2018-2023.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Cựu lãnh đạo ly khai Catalonia, ông Puigdemont. (Ảnh: Sputnik)

Ông Puigdemont tuyên bố tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho Catalonia: Ông Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo ly khai của vùng Catalonia, vừa trở lại Bỉ hôm 28/7 sau 4 tháng bị giam giữ tại Đức, tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh ly khai của vùng Catalonia.

Phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở của Phái đoàn Catalonia tại Brussels, ông Puigdemont tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng cuộc đấu tranh nhằm giành độc lập cho xứ Catalonia khỏi Tây Ban Nha, đồng thời sẽ làm mọi cách để chính quyền Tây Ban Nha phải thả các chính trị gia Catalonia hiện đang bị giam giữ và cho phép tất cả được trở lại vùng Catalonia.

Chính phủ mới tại Tây Ban Nha mới đây đã huỷ bỏ lệnh truy nã toàn châu Âu với ông Puigdemont, nhưng vẫn giữ nguyên lệnh bắt giữ nếu ông Puigdemont trở lại Tây Ban Nha.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Ngày 1/8, lệnh cấm sử dụng khăn trùm đầu Hồi giáo tại Đan Mạch đã chính thức có hiệu lực. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Đan Mạch chính thức cấm khăn trùm đầu Hồi giáo ở nơi công cộng: Ngày 1/8, lệnh cấm sử dụng khăn trùm đầu Hồi giáo tại Đan Mạch đã chính thức có hiệu lực, theo đó không ai được đeo khăn che kín khuôn mặt ở nơi công cộng, nếu không sẽ phải nộp phạt.

Theo lệnh cấm trên, mọi vi phạm sẽ dẫn đến mức phạt từ 1.000 Kroner Đan Mạch (150 USD) đến 10.000 Kroner (1.504 USD).

Chính phủ Đan Mạch cho biết họ không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào, và cũng không cấm loại khăn che phần tóc, khăn xếp hay loại mũ nhỏ truyền thống của người Do Thái. Tuy nhiên, người dân vẫn được phép che mặt khi "có mục đích rõ ràng", như thời tiết lạnh hoặc do tuân thủ yêu cầu pháp lý khác, như phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy theo quy định giao thông ở nước này.

Trước đó, từ năm 2011, Pháp đã là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm khăn trùm đầu Hồi giáo ở nơi công cộng.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Sarah Nor, mẹ của một hành khách trên chuyến bay MH370, bật khóc tại buổi công bố báo cáo điều tra cuối cùng về chuyến bay tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 30/7. (Ảnh: AFP)

Malaysia công bố báo cáo vụ MH370: Báo cáo điều tra vụ mất tích của máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã được công bố ngày 30/7, song chưa thể làm sáng tỏ nguyên nhân của một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới.

Trả lời báo giới, người đứng đầu đội điều tra MH370, ông Kok Soo Chon cho biết đội điều tra chưa thể xác định được nguyên nhân thực sự trong vụ máy bay MH370 mất tích. Ông cho rằng câu trả lời cuối cùng có thể được đưa ra chỉ khi đội điều tra tìm thấy xác chiếc máy bay xấu số.

Thân nhân của những hành khách trên máy bay MH370 đã bày tỏ tức giận và thất vọng khi báo cáo được chờ đợi lâu nay được công bố.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Trực thăng Mi-8 của Nga. (Ảnh: RHA)

Trực thăng rơi ở Nga, 18 người thiệt mạng: Đại diện Cục Hàng không Dân dụng Liên bang Nga cho biết: “Theo các thông tin sơ bộ, vào khoảng 5h sáng ngày 4/8 theo giờ Moscow, 2 chiếc trực thăng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực thăng Utair cất cánh gần nhau tại khu vực mỏ dầu Vankor. Chiếc trực thăng đầu tiên cất cánh là Mi-8 mang theo hàng hóa trên hệ thống treo ngoài và không có hành khách, chiếc trực thăng thứ 2 là Mi-8AMT với hành khách”.

Sau khi cất cánh, chiếc trực thăng Mi-8AMT với hành khách bên trong không rõ vì lý do gì va vào hệ thống treo ngoài của chiếc trực thăng Mi-8 chở theo hàng hóa. Vụ va chạm khiến chiếc trực thăng Mi-8AMT rơi xuống đất và bốc cháy, 15 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Chiếc trực thăng còn lại hạ cánh an toàn và không có ai bị thương.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. (Ảnh: Reuters)

Thái Lan yêu cầu Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck: Theo BBC, trong thông tin được công bố với báo chí hôm 31/7, Đại sứ quán Thái Lan tại thủ đô London, Anh ngày 5/7 đã gửi một công hàm đính kèm với các tài liệu tòa án và lệnh bắt giữ, yêu cầu chính quyền Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về Thái Lan.

Việc đưa ra yêu cầu dẫn độ dựa trên hiệp ước dẫn độ được ký giữa Anh và Xiêm (tên trước kia của Thái Lan) vào năm 1911 về việc gửi các công dân phạm tội chạy trốn về nước.

Trong công hàm của Đại sứ quán Thái Lan gửi đi nêu rõ về hành vi của bà Yingluck sau khi bị toà tối cao luận tội. Bà Yingluck bị phạt tù 5 năm theo Bộ luật hình sự năm 1999 của Thái Lan.

Thế giới nổi bật trong tuần: Xung đột thương mại Mỹ - Trung thêm căng thẳng

Thủ tướng New Zealand cùng bạn trai và con gái. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng New Zealand trở lại làm việc sau khi nghỉ sinh con: Ngày 2/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã trở lại làm việc sau 6 tuần nghỉ sinh con gái đầu lòng.

Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên báo điện tử Stuff, Thủ tướng Jacinda khẳng định rằng mình có thể vừa nuôi con nhỏ mà vẫn có thể đi làm và rằng bà sẽ cân bằng hai nhiệm vụ quan trọng này như những người phụ nữ khác.

Vì đang còn rất nhỏ nên con gái cũng sẽ tới nơi làm việc của Thủ tướng và đi cùng trong các chuyến công tác, mà đầu tiên là chuyến công du tới New York (Mỹ) vào tháng 9 tới để tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.