“Tháng trước là tháng 6 nóng nhất trên toàn cầu, khi nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào tháng 6/2019”, báo cáo của Copernicus cho biết.
Kết quả được Copernicus đưa ra dựa trên những phân tích máy tính bằng cách sử dụng hàng tỷ dữ liệu từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm khí tượng toàn cầu.
Biến động so với nhiệt độ trung bình tháng 6 trên toàn cầu qua từng năm. Đồ họa: CNN
Copernicus cũng cho biết 9 tháng 6 nóng nhất ghi nhận trong 9 năm qua là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang đẩy nền nhiệt lên mức cao chưa từng thấy.
Phân tích của Copernicus được đưa ra khi dữ liệu từ các cơ quan khí hậu toàn cầu cho thấy thế giới đã ghi nhận ngày nóng nhất lịch sử vào đầu tuần này. Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày 5/7 là 17,16 độ C, tương đương với ngày 4/7 và vượt qua kỷ lục ghi nhận ngày 3/7 là 17,01 độ C.
“Điều này thật đáng báo động. Thật khó để tưởng tượng mùa hè sẽ như thế nào trong 20 năm tới. Đây chính xác là hiện tượng nóng lên toàn cầu”, Jennifer Marlon, nhà khoa học về khí hậu tại Trường Môi trường Yale, nói.
Người dân đi trên đường phố trong thời tiết nắng nóng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/6. Ảnh: Reuters
Băng ở Nam Cực cũng đang ở mức thấp nhất trong tháng này, ít hơn 17% so với mức trung bình, theo Copernicus. Cơ quan này phát hiện nhiệt độ bề mặt đại dương cao nhất được ghi nhận trong tháng 6, chủ yếu do hơi nóng ở Bắc Đại Tây Dương và hiện tượng El Nino mạnh mẽ ở Thái Bình Dương.
“Sự nóng lên của đại dương thậm chí đáng lo ngại hơn. Vì khi đại dương nóng lên, điều đó đồng nghĩa mực nước biển dâng cao hơn và nhiều cộng đồng ven biển bị ngập lụt hơn”, Marlon nói.