Tín dụng ưu đãi nâng mức cho vay:
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh kiểm tra các mô hình vay vốn tín dụng ưu đãi ở xã Kỳ Phú.
Người nghèo phấn khởi
Con đường bê tông thẳng tắp vừa được nâng cấp trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đưa chúng tôi đến thăm mô hình vừa vay vốn giải quyết việc làm (GQVL), phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết với doanh nghiệp của gia đình chị Đoàn Thị Huyền (xóm Hợp Trùa, xã Hương Minh, Vũ Quang). Khu chuồng trại chăn nuôi được xây dựng trên bãi đất rộng sau nhà.
“Những năm gần đây, xã phát triển mạnh mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ. Dự định ấp ủ đã lâu nhưng đến khi được hỗ trợ cho vay vốn GQVL với lãi suất ưu đãi thì chúng tôi mới có đủ điều kiện để tham gia. May mắn là từ năm nay, mức vay đã nâng lên 50 triệu đồng/lao động, vừa đủ chi phí xây chuồng, làm bể biogas; gia đình chỉ cần lo vốn quay vòng sản xuất. Quy mô chăn nuôi khoảng 30 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, dự kiến cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/năm” - chị Huyền cho biết.
Theo ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân - tổ chức hội hiện có dư nợ ủy thác lớn nhất ở xã Hương Minh, trong đợt này, xã có 3 mô hình được vay vốn GQVL để tham gia tổ hợp tác chăn nuôi số 4 gồm 10 thành viên vừa được thành lập. Mức cho vay được nâng lên đã giúp hộ vay chủ động hơn về nguồn đầu tư. Phát triển theo hướng xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra, tin rằng, các hộ sẽ phát huy cao hiệu quả nguồn vốn. Ngoài ra, một số chương trình tín dụng ưu đãi khác cũng có sự điều chỉnh theo hướng tăng cơ hội cho người hưởng lợi, giúp địa phương thêm nguồn lực để đẩy mạnh phát triển SXKD.
Niềm vui cũng đang đến với các gia đình vay vốn chương trình học sinh, sinh viên khi mức cho vay tăng từ 1.100.000 lên 1.250.000 đồng/người/tháng. Gia đình anh Trần Đức Tú (thôn 10, xã Phúc Trạch - Hương Khê) bày tỏ: “Tôi vừa nhận số tiền giải ngân 6,25 triệu đồng cho 5 tháng học kỳ 2 của con trai là Trần Đức Tính học ở Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh. Với gia đình nông dân thuần túy như chúng tôi, thêm một đồng là bớt một phần gánh nặng, bởi vậy, mức vay mới giúp chúng tôi yên tâm hơn để cố gắng lo cho cháu học hành. Hy vọng, với sự tiếp sức của chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con trai tôi sau khi ra trường với nghề sửa ô tô sẽ tìm được việc làm để trả nợ ngân hàng”.
Bền bỉ tiếp sức
Hiện nay, nhiều chương trình tín dụng chính sách được điều chỉnh theo hướng mở rộng hoặc nâng mức cho vay, Ngân hàng CSXH càng tăng thêm trách nhiệm và cơ hội đồng hành hiệu quả hơn nữa với người dân. Bên cạnh kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam đến các phòng giao dịch huyện, thị; chủ động phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác tuyên truyền chính sách mới tới tận người dân, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh chỉ đạo các phòng chuyên môn và phòng giao dịch tập trung thu hồi vốn đến hạn để quay vòng cho vay đối với các chương trình chưa có nguồn phân bổ mới trong năm như: GQVL, hộ SXKD vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn... Doanh số cho vay 5 tháng đầu năm đạt trên 500 tỷ đồng, trong đó, hơn 200 tỷ đồng cho vay các chương trình được áp dụng mức lãi suất và mức cho vay mới.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hương Khê Lê Viết Thông cho biết: “Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của ngân hàng cấp trên, chúng tôi đã báo cáo, tham mưu với Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện để chỉ đạo triển khai thực hiện, phổ biến cơ chế, chính sách tới chính quyền các địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác, mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, công khai tại điểm giao dịch xã để người dân biết và thực hiện. Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Trạch Trần Thị Thu Dung chia sẻ: “Thông tin về các quy định mới của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được chúng tôi phổ biến cụ thể tới thành viên các tổ tiết kiệm và vay vốn qua các cuộc họp tổ. Hộ nghèo và đối tượng chính sách ở xã miền núi khó khăn này rất vui mừng khi có được cơ hội nâng mức vay vốn”.
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh Lưu Văn Minh: “Thực hiện chỉ đạo và các hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện điều chỉnh về mức vay, thời hạn, đối tượng đối với các chương trình cho vay GQVL, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thương nhân, hộ SXKD vùng khó khăn... Cùng với đó, 5 tháng đầu năm, chi nhánh tích cực, quyết liệt chỉ đạo các phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện, thị xã tập trung cán bộ, phương tiện, phối hợp UBND, hội nhận ủy thác cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn để giải ngân đến đối tượng.
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức vay các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần lớn trong việc tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên hành trình giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...