Thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3: Không nên ôm đồm!

Bàn về đề án thí điểm dạy, học tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 3 năm 2017, nhiều trí thức Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại, ngành giáo dục Việt cần tập trung tiếng Anh làm ngoại ngữ chính vì đó là công cụ mở được nhiều cánh cửa nhất cho thế hệ trẻ; không nên bắt các em “ôm đồm” thêm thứ tiếng khác.

thi diem day tieng nga tieng trung tu lop 3 khong nen om dom

Tiếng Anh giờ được coi là ngôn ngữ quốc tế, mang lại rất nhiều thuận lợi trong nhiều lãnh vực

Lo ngại làm “loạn” chương trình học hiện đã quá tải

Trước thông tin Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục 10 năm từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được coi như ngoại ngữ thứ nhất (ngoại ngữ bắt buộc) cùng với tiếng Anh, ông Nghiêm Sơn (Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Công nghệ Queensand, Úc) quan điểm: “Bộ nên tập trung nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh. Tập trung tiếng Anh làm ngoại ngữ chính, nó là chìa khoá mở được nhiều cánh cửa nhất cho thế hệ trẻ. Các ngoại ngữ khác, kể cả Nga và Trung Quốc làm ngoại ngữ lựa chọn”.

Theo bà Lê Thúy (Đại học Copenhagen, Đan Mạch), có một thực tế là học sinh/ sinh viên Việt Nam được đào tạo tiếng Anh như ngoại ngữ bắt buộc nhưng khi ra trường, phần lớn lại không thể giao tiếp thành thạo. Do đó, việc thêm tiếng Nga và tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất rất có thể sẽ làm “loạn” thêm chương trình học đã… quá tải của học sinh.

“Nếu sau này vì công việc mà ai cần đến tiếng Nga và Trung thì hãy để người ta tự đi học thêm (số người cần chắc có thể đếm trên đâu ngón tay), không phải đưa vào trường phổ thông "thí điểm" để làm phí phạm thời giờ quý báu của tuổi trẻ và lãng phí ngân sách là tiền thuế của dân một cách vô ích!”, bà Lê Thúy nói.

Ông Hoàng Nguyễn (Đại học Lappeenranta University of Technology, Phần Lan) cũng đồng tình bày tỏ: “Tiếng Anh ngôn ngữ quốc tế, dạy tới lớp 12 mà phần đông vẫn không thể giao tiếp. Bây giờ lại bắt các em học sinh nhỏ ôm đồm thêm 2 tiếng khác. Bình thường chưa có các em nhỏ đã phải đi học thêm tràn lan, cha mẹ phải đi đưa đón, cả một xã hội “mệt mỏi” vì giáo dục.

Ở đất nước Phần Lan, các em học sinh nhỏ đi học cháu nào cũng tươi vui, cái cặp có chút xíu, chơi nhiều ngang học vậy mà vẫn hiệu quả. Phần đông là em nào tới bậc đại học cũng nói tiếng Anh lưu loát, và có khả năng vươn ra quốc tế” .

Không nên áp đặt

Bà Jennifer Đào - Diệu Nhật (Thạc sĩ thuế vụ quốc tế - Đại học New South Wales của Úc, hiện là nhân viên sở thuế vụ Liên bang Úc) lại bày tỏ quan điểm cá nhân dưới góc nhìn đối chiếu với nền giáo dục nước Úc có đến 54 ngoại ngữ lựa chọn trong trường học.

Bà Diệu Nhật chia sẻ: “Ở Úc, ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Học sinh được chọn một trong 54 ngoại ngữ khác. Trong các vùng đông học sinh Việt, Việt ngữ được dạy trong chương trình của trường, ngoài ra, các ngôn ngữ cộng đồng này được dạy ngoài giờ, thường là cuối tuần. Úc là một nước đa văn hóa với dân chúng hội tụ từ khắp nơi trên thế giới. Đưa ngôn ngữ cộng đồng vào chương trình giảng dạy phù hợp với chính sách đa văn hóa của Úc, ghi nhận giá trị truyền thống của từng sắc dân trong đóng góp của thịnh vượng chung.

Ở Việt Nam, tiếng Việt là ngôn ngữ chính, ngoại ngữ nên được dạy như một môn tự chọn. Tùy theo mong muốn/ nhu cầu của học sinh mà đáp ứng theo. Tiếng Anh giờ được coi là ngôn ngữ quốc tế, mang lại rất nhiều thuận lợi trong nhiều lãnh vực, nhưng rất có thể học sinh thích chọn một ngoại ngữ khác theo sở thích cá nhân. Việc học ngoại ngữ, vì thế không nên áp đặt”.

Chưa rõ mức độ sẵn sàng, khả thi của đề án

Ông Lê Quốc Việt (công tác tại hãng thông tin Bloomberg, Mỹ) đánh giá: “Tôi cũng chưa thấy tài liệu nào nói về nhu cầu học ngoại ngữ ở Việt Nam với từng ngôn ngữ và cách thức đào tạo giáo viên để đáp ứng với nhu cầu của từng ngôn ngữ. Nói đến việc đào tạo ngoại ngữ đại trà thì phải có cung – cầu rõ ràng. Bộ cũng không cung cấp số liệu về mức độ sẵn sàng và khả thi của đề án thí điểm tiếng Trung và tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất”.

Ông Ngô Anh Văn, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Viện Đại học Calgary, Canada cho rằng, dự án thí điểm dạy và học bắt buộc tiếng Trung và tiếng Nga không hợp lý và không cần thiết ở thời điểm hiện tại: “Cá nhân tôi cho rằng đây là một việc làm mất thời gian và công sức của học sinh, và của cả giáo viên nữa. Đành rằng ngôn ngữ là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải làm một dự án thí điểm như vậy đối với con trẻ.

Nhiều việc còn cấp bách hơn trong giáo dục của Việt Nam như nội dung học, sách giáo khoa, lương giáo viên, điều kiện trường lớp, quyền lợi giáo viên và học sinh, chất lượng dạy và học, học thêm... Ngành giáo dục nước ta dường như đang "chăm" làm đề án, dự án; mà quên rằng nhiều vấn đề đòi hỏi phải dồn nguồn lực trong xã hội để giải quyết cấp bách”.

Theo Lệ Thu/Dân trí

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.