Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, hướng dẫn việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Theo đó, lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định và ký thỏa thuận về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (với đối tác Hàn Quốc) sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Việc lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh được quyết định và ký thỏa thuận này thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 2 năm. Theo hướng dẫn, sau khi ký kết thỏa thuận, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận đã được ký kết.
Căn cứ phạm vi thực hiện, cơ quan cấp tỉnh có thể giao cơ quan cấp huyện hoặc tổ chức sự nghiệp tại địa phương thực hiện việc phái cử lao động theo thỏa thuận (cơ quan được giao phải nêu rõ trong thỏa thuận). Đối tượng áp dụng thỏa thuận là người lao động sinh sống tại địa phương ký kết thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đủ 12 tháng trở lên.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Hà Nam). |
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: “Hiện nay phía Hàn Quốc có nhu cầu lao động thời vụ và một số địa phương thì có trao đổi hợp tác với địa phương. Ví dụ, hiện có Đà Nẵng và Đồng Tháp hợp tác với bạn. Bộ thì không quy định địa phương nào được tham gia chương trình, vấn đề là giữa các địa phương họ có nhu cầu hợp tác, họ đàm phán với nhau và sau đó báo cáo cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, LĐTBXH và Bộ Tư Pháp để có sự hỗ trợ và bảo hộ công dân khi cần thiết. Lao động đi theo chương trình thời vụ thì chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc thường là 3 tháng”.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh khi ký thỏa thuận, các địa phương cần lưu ý điều kiện cung ứng, tiếp nhận người lao động bao gồm: Số lượng lao động sẽ phái cử/tiếp nhận, tiêu chuẩn tuyển chọn, ngành, nghề, công việc phải làm; địa điểm làm việc, thời hạn làm việc; điều kiện, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn và bảo hộ lao động; tiền lương và tiền làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; chế độ bảo hiểm, khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm chi trả phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước và các điều kiện liên quan khác.
Ngoài ra, thỏa thuận phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết trong việc tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, bổ túc tay nghề và đào tạo tiếng Hàn cho người lao động trước khi xuất cảnh.